Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Thiếu tướng, Nhạc sỹ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã ôn lại chặng đường 65 năm ra đời và phát triển của Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Nhạc sỹ Nguyễn Đức Trịnh nhấn mạnh: Ngay từ những bước đi đầu tiên, dòng âm nhạc cách mạng đã trở thành vũ khí sắc bén, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, đóng góp tích cực vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống ngoại xâm với những âm hưởng hào hùng còn vang vọng mãi tới hôm nay và mai sau. Nối tiếp con đường của nền văn nghệ cứu quốc, Hội Nhạc sỹ Việt Nam ra đời trong thời kỳ cam go đấu tranh thống nhất đất nước, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, âm nhạc cách mạng Việt Nam tiếp tục thổi bùng lên ngọn lửa truyền thống, khơi dậy lòng yêu nước, tình nhân ái, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống. Suốt 65 năm qua, Hội Nhạc sỹ Việt Nam luôn đồng hành cùng đất nước.
Ngày đầu thành lập với hơn 50 nhạc sỹ - nghệ sỹ từ chiến khu về và trong lòng Hà Nội đã tập hợp dưới mái nhà chung, mở ra con đường sáng tạo của âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam. 65 năm qua là chặng đường phấn đấu, trưởng thành và lớn mạnh không ngừng cả về tổ chức, đội ngũ. Tiêu biểu cho sự phát triển này là những thành tích xuất sắc mà Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Sao Vàng; Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.
Những nhạc sỹ tiêu biểu được trao tặng Danh hiệu cao quý - Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, đợt I (1996) là các nhạc sỹ: Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Hoàng Việt, đến nay đã có 22 nhạc sỹ được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, 122 nhạc sỹ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, 70 Nghệ sỹ Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, gần 300 Nghệ sỹ Ưu tú, Nhà giáo Ưu tú. Hội Nhạc sỹ đã phát triển tới trên 1.500 hội viên, gồm 4 chuyên ngành: Sáng tác, Lý luận, Biểu diễn và Đào tạo, hoạt động rộng khắp ở 65 chi hội trong cả nước.
Một dấu son trên chặng đường 65 năm Hội Nhạc sỹ Việt Nam là việc Đảng và Nhà nước cho phép lấy ngày 3/9 hàng năm làm Ngày Âm nhạc Việt Nam bắt đầu từ năm 2010. Cùng với đó, Hội Nhạc sỹ Việt Nam cũng tăng cường các hoạt động quan hệ đối ngoại, nâng vị thế âm nhạc chuyên nghiệp của Việt Nam lên tầm cao mới, có điều kiện hội nhập với âm nhạc khu vực và quốc tế.
Nhạc sỹ Nguyễn Đức Trịnh khẳng định: Bước vào thời kỳ mới, tiếp tục sự nghiệp sáng tạo của thế hệ nhạc sỹ đi trước, lớp nhạc sỹ kế cận và các nhạc sỹ trẻ vẫn duy trì định hướng “Đề cao chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân”. Hội viên Hội Nhạc sỹ tiếp tục cống hiến hết mình trong hoạt động âm nhạc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
“Nhìn lại chặng đường 65 năm qua, Hội Nhạc sỹ Việt Nam tự hào là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, xứng đáng với lòng tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Tự hào với truyền thống, vững tin vào tương lai, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, hội nhập, các thế hệ nhạc sỹ Việt Nam nguyện đồng hành cùng dân tộc trên con đường xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam chia sẻ.
Nhân dịp này, Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã trao tặng Giải thưởng Âm nhạc năm 2022 cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc.
Phó giáo sư, Tiến sỹ, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Giải thưởng Âm nhạc năm 2022 cho biết: Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã tiến hành xét Giải thưởng trong các lĩnh vực: thanh nhạc, khí nhạc, các công trình lý luận phê bình và báo chí âm nhạc, các tập hợp chương trình biểu diễn. Ban tổ chức đã nhận được 261 tác phẩm của 261 tác giả là hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước gửi tham dự. Hội đồng nghệ thuật đã làm việc nghiêm túc, khoa học, kỹ lưỡng và công tâm để chọn ra những công trình, tác phẩm có chất lượng đề nghị Ban tổ chức trao giải thưởng.
Cụ thể, ở mảng ca khúc, Hội đồng nghệ thuật trao 4 giải A cho các tác phẩm xuất sắc gồm: Tác phẩm “Duyên” của tác giả Huỳnh Tấn Phát (Phú Yên); Tác phẩm “Ơi con sông mặt trời” của tác giả Nguyễn Đình Nghĩ (Lâm Đồng); Tác phẩm “Chúc mừng năm mới” của tác giả Nguyễn Như Thắng (Hà Nội); Tác phẩm “Tự hào là người lính” của tác giả Huyền Ngọc (Hà Nội).
Ngoài ra, Hội đồng nghệ thuật còn trao 15 giải B, 13 giải C, 11 giải Khuyến khích cho các tác phẩm của các tác giả.
Ở thể loại ca khúc thiếu nhi, 1 giải A thuộc về tác phẩm “Chúng em yêu Bác Hồ Chí Minh” của tác giả Tạ Duy Tuấn (Hà Nội). Hội đồng nghệ thuật còn trao 1 giải B, 3 giải C và 1 giải Khuyến khích cho các tác phẩm có chất lượng.
Ở mảng khí nhạc, thể loại nhạc giao hưởng không có tác phẩm được giải A, B, C, Hội đồng nghệ thuật trao giải Khuyến khích cho 2 tác phẩm. Thể loại hợp xướng không có giải A, Hội đồng nghệ thuật trao 1 giải B, 2 giải C, 4 giải Khuyến khích cho các tác phẩm chất lượng.
Thể loại nhạc thính phòng không có giải A, B, Hội đồng nghệ thuật trao 1 Giải C, 1 Giải Khuyến khích. Ca khúc nghệ thuật có 2 tác phẩm được trao giải C, 1 tác phẩm được trao giải Khuyến khích.
Giải Chương trình biểu diễn nghệ thuật xuất sắc được trao cho chương trình đêm nhạc “Tổ quốc tôi” của Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) và Chương trình đêm nhạc “Cánh chim biển” của Phạm Nguyễn (Hải Phòng).
Ở mảng lý luận, thể loại sách biên soạn, Hội đồng nghệ thuật đã trao 1 giải B cho tác phẩm “Từ điển giải thích thuật ngữ âm nhạc” của tác giả Nguyễn Bách (Thành phố Hồ Chí Minh) và 1 giải C, 2 giải Khuyến khích cho các tác phẩm chất lượng.
Thể loại báo chí, Giải A thuộc về tác phẩm “13 bài báo viết về âm nhạc” của tác giả Phan Thuận Thảo (Thừa Thiên - Huế). Ngoài ra, Hội đồng nghệ thuật còn trao 1 Giải B và 1 Giải C cho các tác phẩm báo chí chất lượng.