Phát biểu đề dẫn tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số và luôn nhất quán khẳng định văn hóa các dân tộc thiểu số là một bộ phận không thể tách rời trong nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc, góp phần quan trọng trong việc phát triển đời sống kinh tế - xã hội.
Việc tổ chức Hội nghị gặp mặt nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc và miền Trung, nhằm tôn vinh các nghệ nhân cũng như lắng nghe trực tiếp các ý kiến đóng góp quý báu cho công tác văn hóa dân tộc.
Theo bà Nguyễn Thị Hải Nhung, hiện nay điều kiện sống của các dân tộc thiểu số vùng biên giới, xã đặc biệt khó khăn thuộc địa bàn các tỉnh khu vực phía Bắc và miền Trung còn nhiều khó khăn, dân cư sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, giao thông không thuận tiện, tỷ lệ hộ thuộc diện đói nghèo tương đối cao. Vì vậy, khả năng tự bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào rất hạn chế, nhiều dân tộc bị mai một văn hóa truyền thống như tiếng nói, chữ viết, dân ca dân vũ, trang phục…
Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào tuy phong phú nhưng chưa được bảo tồn, phát huy đúng mức và đang đứng trước nguy cơ bị phai nhạt, mất dần bản sắc văn hóa tộc người, đặc biệt có dân tộc đã không còn tồn tại mô hình cư trú, làng bản truyền thống… Mặt khác, tác động của quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới về kinh tế, văn hóa cũng làm cho các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đối diện với nhiều thách thức…
Bà Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết, Hội nghị được tổ chức với mong muốn nhận được ý kiến của các nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc về các giải pháp thiết thực, phù hợp với từng dân tộc trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, qua đó xây dựng nội dung, đề xuất các giải pháp bảo tồn cụ thể về cơ chế, chính sách đặc thù đối với công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc, nhằm giữ gìn các giá trị văn hóa, tránh nguy cơ mai một, mất bản sắc, đặc biệt nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ các di sản văn hóa của chính mình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
Tại Hội nghị, nhiều nghệ nhân đã chia sẻ tâm tư, nguyện vọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nghệ nhân nhân dân Sầm Văn Dừ, dân tộc Cao Lan, đến từ Tuyên Quang cho biết, ông được thừa hưởng khoảng 200 đầu sách quý từ cha ông để lại, trong đó có rất nhiều sách có nội dung quan trọng, từ các tục lệ, các nghi lễ truyền thống của đồng bào Cao Lan… Từ các tài liệu này, ông đã học và truyền dạy lại cho người dân trong thôn các nghi lễ truyền thống, dạy người dân trong bản những điệu múa, bài hát là di sản của dân tộc.
Theo nghệ nhân Sầm Văn Dừ, khó khăn hiện nay là nhiều người, đặc biệt là các thế hệ trẻ còn chưa mặn mà với văn hóa dân tộc nên việc vận động người dân tham gia các hoạt động còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, những khó khăn về kinh phí để hoạt động cũng là nguyên nhân dẫn đến hoạt động bảo tồn, gìn giữ văn hóa của đồng bào dân tộc còn nhiều hạn chế. Nghệ nhân Sầm Văn Dừ hy vọng, Nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Tương Lai, dân tộc Tày (tỉnh Yên Bái) cho biết, từ xa xưa, trong văn hóa giao tiếp của dân tộc Tày vùng sông Chảy, Thác Bà (Yên Bái) có hát Cọi, hát Khắp, trong đám cưới có hát “Quan làng”, gửi thư cho bạn có hát “phong Sjư”, ru con ngủ có “Ứ noọng nòn”, khi giao tiếp với tổ tiên có hát Pựt, hát “Khảm hải” (vượt biển)… Những sáng tác trên đều do các nghệ nhân khuyết danh nhiều đời để lại. Tuy nhiên, đó là chuyện của hơn nửa đầu thế kỷ trước. Ngày nay, chỉ có lớp người già từ 60 tuổi trở lên là còn mê nghe hát và biết hát “Quan làng” trong đám cưới, hát đối đáp Khắp, Cọi…, còn lớp trẻ dù rất yêu thích và muốn hát cũng không có ai truyền dạy.
Trong khi đó, nhiều công trình sưu tầm của các nhà nghiên cứu chỉ để lưu giữ, nhiều làn điệu còn đang “nằm kín” trong đầu của những nghệ nhân cao tuổi, những người biết hát thuần thục các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc mình còn rất ít, một số cụ cao tuổi chỉ nhớ được một số bài, hát được một số làn điệu… Việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống này đang trong giai đoạn “kêu cứu” cần được các cấp quan tâm thành chương trình kế hoạch cụ thể.
Nghệ nhân Hoàng Tương Lai đề nghị, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cần đẩy mạnh việc giáo dục tuyên truyền cho thế hệ trẻ nói thành thạo tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình, coi đó mà mạch nguồn nuôi mình trưởng thành; tạo điều kiện về kinh phí cho các nghệ nhân truyền dạy lớp trẻ biết hát và hát tốt những làn điệu của dân tộc Tày nói riêng và các dân tộc khác trong vùng, có cơ chế, chính sách hỗ trợ các câu lạc bộ, động viên lớp trẻ tham gia gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc.
Nhiều ý kiến của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc đều mong muốn Nhà nước sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đến việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí để xây dựng và nhân rộng mô hình các câu lạc bộ văn hóa truyền thống ở các làng bản.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá, 16 ý kiến của các nghệ nhân cho thấy cộng đồng có vai trò quan trọng và là yếu tố quyết định trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc, trong đó các nghệ nhân, những người có uy tín tại các địa phương là nòng cốt. Việc bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc phải xuất phát từ thực tiễn, yêu cầu của cộng đồng và gắn với cộng đồng.
Những năm qua, nhiều địa phương đã quan tâm đến vai trò, trách nhiệm của các nghệ nhân, có những chính sách để các nghệ nhân tham gia truyền dạy văn hóa cho cộng đồng, đặc biệt là các thế hệ trẻ, nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống cần quan tâm và có những điều chỉnh trong thời gian tới.
Bà Trịnh Thị Thủy đề nghị, các địa phương cần có sự quan tâm thiết thực hơn nữa, tạo điều kiện để các nghệ nhân có cơ hội đóng góp nhiều hơn nữa trong việc phát huy, bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong thời gian tới. Những việc đó có thể bắt đầu từ việc làm cụ thể như tổ chức các lớp truyền dạy chữ viết, dân ca dân vũ, tổ chức nhiều hơn các hoạt động giao lưu văn hóa, phối hợp với cộng đồng, nhà trường và gia đình trong việc giáo dục di sản cho các thế hệ trẻ.