Chương trình nghệ thuật tưởng nhớ tác giả Lưu Quang Vũ

Nhân kỷ niệm 75 năm ngày sinh (1948 - 2023) và 35 năm ngày mất (1988 - 2023) của tác giả Lưu Quang Vũ, từ ngày 22/7 đến ngày 31/8, tại sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội) sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật “Thói đời - Lưu Quang Vũ: Lăng kính, sân khấu và cuộc đời”, tri ân những đóng góp của ông cho nền sân khấu kịch nói nước nhà.

Các nghệ sỹ biểu diễn 4 vở kịch đặc sắc của cố tác giả Lưu Quang Vũ gồm: “Bệnh sĩ”, “Người tốt nhà số 5”, “Nguồn sáng trong đời” và “Người trong cõi nhớ”. 

Cố tác giả Lưu Quang Vũ là hiện tượng đặc sắc của sân khấu thế kỷ XX. Ông là một trong những tác giả đã có công lớn trong việc tạo nên diện mạo cho sân khấu kịch, đưa loại hình nghệ thuật này lan tỏa sâu rộng vào đời sống văn hóa của người Việt, đặc biệt là những người yêu sân khấu. Những tác phẩm của ông chặt chẽ về kết cấu, đậm tính nhân văn, đặc biệt là tính dự báo. Những người làm sân khấu đều thừa nhận, tới thời điểm này vẫn chưa có nhà viết kịch Việt Nam nào vượt qua được tên tuổi Lưu Quang Vũ.

Những vở kịch của Lưu Quang Vũ luôn toát lên vẻ giản dị mà thâm trầm, là sự đúc kết về những vấn đề muôn thuở của nhân loại như tình yêu, tình cảm gia đình, lẽ sống - chết, hạnh phúc và nhân cách con người… Những xung đột trong kịch luôn xoay quanh hỉ, nộ, ái, ố thường nhật; khó khăn mà ai cũng từng gặp phải; trăn trở, suy tư xuất phát từ chính mối quan hệ mật thiết giữa con người và xã hội trong thế giới nhân vật đa dạng, phong phú, đủ các hạng người... Tất cả được tổng hòa dưới lăng kính nghệ thuật riêng biệt, đậm chất Lưu Quang Vũ, được chuyển tải một cách tự nhiên vào tác phẩm.

Trong đó, “Bệnh sĩ” là vở đạt doanh số biểu diễn kỷ lục, khán giả không chỉ được cười với các tình tiết, ngôn ngữ thoại vô cùng hài hước mà còn thấm được thói đời sĩ hão luôn tồn tại trong mọi thời đại. “Nguồn sáng trong đời” lại khiến người xem nghẹn lòng và rơi nước mắt về câu chuyện đấu tranh tư tưởng của kỹ sư Toàn trước cái chết khi mắc bệnh hiểm nghèo: Chết phải được toàn thây hay chết để đem lại nguồn sáng cho người khác? Hay những câu chuyện đầy ẩn ý với giá trị nhân văn sâu sắc trong vở “Người tốt nhà số 5”, "Người trong cõi nhớ".

Có thể nói, kịch Lưu Quang Vũ vừa khắc họa được những vấn đề lớn, có ý nghĩa xã hội, vừa chứa đựng những triết lý sâu sắc có khả năng tác động đến người xem theo phương thức riêng, mang đến giá trị riêng. Trong tất cả các tác phẩm kịch của Lưu Quang Vũ, dù xã hội đó có hỗn loạn, đen tối đến đâu thì vẫn tỏa sáng những giá trị tốt đẹp. Ông luôn để thế hệ trẻ được nhận ra và tiếp nối những giá trị ấy như cách mà anh thuyền trưởng trong “Bệnh sĩ” thoát ra khỏi sự lừa dối và quyết định sống đúng với bản thân mình; nhân vật Hiệp trong vở “Người tốt nhà số 5” dù có bị đuổi ra khỏi ngôi nhà chung vẫn chọn làm người tốt…

Chương trình Nghệ thuật “Thói đời - Lưu Quang Vũ: Lăng kính, sân khấu và cuộc đời”  góp phần tái hiện lại không gian nghệ thuật Lưu Quang Vũ, từ đó truyền tải những giá trị đạo đức và triết lý nhân sinh sâu sắc tới khán giả Thủ đô. Đây cũng là dịp khán giả có cơ hội được thưởng thức những tác phẩm để đời của ông, cùng sống lại ký ức đầy xúc cảm được tái hiện trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam.

Chú thích ảnh
Phương Hà (TTXVN)
Lưu Quang Vũ - Nhà biên kịch nổi tiếng, nhà thơ và nhà văn hiện đại của Việt Nam
Lưu Quang Vũ - Nhà biên kịch nổi tiếng, nhà thơ và nhà văn hiện đại của Việt Nam

Nói đến Lưu Quang Vũ là nói đến một cây bút tài năng, đã để lại dấu ấn trong nhiều thể loại: thơ ca, văn xuôi và đặc biệt là kịch. Ông được mệnh danh là người tiên phong cho văn học đổi mới, đặc biệt ở thể loại kịch. Nhiều vở kịch của ông đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự và vẫn được công chúng nồng nhiệt đón nhận. Tuy chỉ dừng lại ở 40 tuổi đời nhưng Lưu Quang Vũ đã kịp để lại một khối lượng đồ sộ với vô vàn các tác phẩm có giá trị, sống mãi với thời gian. Ông sinh ngày 17/4/1948, cách đây 75 năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN