"Nhà viết kịch xuất sắc của thời kỳ hiện đại"
17 tuổi lòng ai không hồi hộp
Khi ngồi trong rạp hát đợi màn lên
Tuổi thơ bỏ ta bay mất như chim
Tiếng bom nổ những khu nhà đổ sụp
Lưu Quang Vũ được tôn vinh là một hiện tượng sân khấu, một tượng đài của nền kịch nghệ Việt Nam. Những tác phẩm của ông đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, góp phần tạo nên diện mạo một sân khấu mới, sân khấu thời kỳ quá độ, trong đó có nhiều tác phẩm có sức sống vượt thời gian, xứng đáng được coi là những tác phẩm kinh điển của sân khấu Việt Nam.
Lưu Quang Vũ sinh ngày 17/4/1948 tại Phú Thọ, quê gốc thành phố Đà Nẵng. Lưu Quang Vũ làm thơ, viết truyện ngắn, viết báo, ở lĩnh vực nào ông cũng gặt hái được những thành công nhất định. Từ thơ và chất thơ trong văn xuôi, rồi từ chất văn xuôi của đời sống, đầu những năm 80, Lưu Quang Vũ đã chuyển sang một thể loại khác đó là kịch. Ở đó vẫn tiếp tục những mạch nguồn được khai mở từ khá sớm, nhưng Lưu Quang Vũ đã chín chắn hơn, tỉnh táo hơn. Kịch là nơi Lưu Quang Vũ có thể bộc lộ trực tiếp hơn những khám phá và nhận thức, là nơi ông có thể đóng góp được một cách trực tiếp và tích cực hơn cho cuộc sống. Có nhà phê bình đã nói rằng: Lưu Quang Vũ làm thơ là để sống cho riêng mình và viết kịch là để sống cho mọi người.
Chọn cho mình con đường viết kịch, Lưu Quang Vũ đã tìm ra con đường ngắn nhất để đến với công chúng khán giả, để có dịp được bộc lộ những gì mình đang ấp ủ. Mỗi một vở kịch là một mặt cắt của hiện thực, ở đó hiện lên những số phận, những cảnh đời khác nhau. Có niềm vui, nỗi buồn, có khổ đau, hạnh phúc. Ngòi bút của ông khi đau đớn xót xa, lúc thâm trầm sâu lắng, khi mạnh mẽ đanh thép, lúc lại nghiệt ngã chua cay hoặc cao giọng phê phán. Ông gửi gắm trong đó những tâm tư, tình cảm, khát vọng, những trăn trở về tình yêu, hạnh phúc, những suy tư về lẽ sống, lẽ làm người, cả những dự cảm về sự sống và cái chết...
Trong khoảng thời gian gần 10 năm, Lưu Quang Vũ đã sáng tác được hơn 50 vở kịch, một khối lượng đồ sộ khiến nhiều người kinh ngạc. Ông được đánh giá là "nhà viết kịch xuất sắc của thời kỳ hiện đại". Trong lịch sử sân khấu nước ta, thời kỳ của Lưu Quang Vũ có lẽ là thời kỳ sôi động, giàu sức sống nhất, thu hút đông đảo người xem nhất. Ông cũng là một trong những người tiên phong trong phong trào đổi mới văn hoá văn nghệ. Kịch của Lưu Quang Vũ khai thác nhiều đề tài, đi vào khám phá muôn mặt của đời sống xã hội và con người. Căn cứ vào cốt truyện của kịch bản, có thể phân chia, sắp xếp kịch Lưu Quang Vũ ra làm nhiều loại:
- Loại dựa vào tích cũ của văn học dân gian rồi viết lại, như: Lời nói dối cuối cùng, Ông vua hoá hổ, Nàng Sita, Đam San, Đôi đũa kim giao, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Linh hồn của đá...
- Loại dựa vào cốt truyện văn học để chuyển thành kịch, như: Hẹn ngày trở lại, Đôi dòng sữa mẹ, Chết cho điều chưa có, Muối mặn đời em, Đất sống của người...
- Loại sáng tác về đề tài hiện đại: Mùa hạ cuối cùng, Thủ phạm là ai, Cô gái đội mũ nồi xám, Tôi và chúng ta, Khoảnh khắc và vô tận, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Nguồn sáng trong đời, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Quyền được hạnh phúc, Điều không thể mất... Đây là phần chủ yếu, là điểm mạnh và chiếm một số lượng khá lớn trong gia tài kịch mục đồ sộ của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.
Sau khi Lưu Quang Vũ ra đi, người ta mới thấy rõ khoảng trống mà ông đã để lại trong lĩnh vực sân khấu là rất lớn, rất lâu và rất khó lấp đầy. Với những đóng góp to lớn và xứng đáng cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, tháng 9/2000, Lưu Quang Vũ được Đảng, Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Đây là một phần thưởng cao quý và rất xứng đáng dành cho sự nghiệp văn học, nghệ thuật của Lưu Quang Vũ.
Những điều còn mãi với thời gian
Sức hấp dẫn và khả năng thu hút của kịch Lưu Quang Vũ trước hết nằm ở tính dấn thân, tính dự báo, tính đối thoại và khát vọng đổi mới. Đó là những tác phẩm đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng nhất của cuộc sống đương đại. Điều đáng nói là Lưu Quang Vũ đã đem đến ngọn lửa của tình yêu và khát vọng, buộc chúng ta phải nghĩ, phải hành động và dám vượt lên mọi khó khăn, thử thách để đổi mới.
Kịch Lưu Quang Vũ không dừng lại ở những thuyết lý, khẩu hiệu mà ông làm bật lên được quy luật phát triển của đời sống thông qua những xung đột, những chi tiết sống động và đắt giá. Hiệu ứng nghệ thuật mà Lưu Quang Vũ tạo nên gắn liền với sự nhạy bén, thông minh và linh hoạt về bút pháp.
Các vở diễn của ông góp phần đổi mới tư duy nghệ thuật sân khấu của những người làm nghề và khả năng cảm nhận, chia sẻ, cùng nhập cuộc của công chúng. Sẽ không khiên cưỡng khi nói rằng, Lưu Quang Vũ và các vở kịch của anh đóng góp một cách riêng, ấn tượng và hiệu quả nhất định vào sự nghiệp đổi mới đất nước ở một giai đoạn khó khăn.
Không ngẫu nhiên, câu chuyện dẫn đến sự nhất thể "hồn nào phải ở trong xác ấy" của kịch bản Hồn Trương Ba, da hàng thịt mà Lưu Quang Vũ viết từ thập niên 1980, được đạo diễn Nguyễn Đình Nghi dàn dựng thành công cho Nhà hát Kịch Việt Nam, đoạt giải vở diễn hay nhất trong Liên hoan Sân khấu Kịch quốc tế ở Liên Xô năm 1990 và được biểu diễn thành công trước sinh viên của hơn 20 trường đại học Mỹ năm 1998. Hồn Trương Ba, da hàng thịt trở thành vở diễn kinh điển của sân khấu Việt hiện đại. Lưu Quang Vũ xây dựng bằng phương pháp ẩn dụ.
Ý nghĩa câu chuyện không được trình bày thẳng băng, cụ thể; mà thông qua cuộc đấu tranh hết sức khốc liệt, phức tạp giữa phần hồn và phần xác; tác giả muốn đề cập đến vấn đề mang tầm khái quát cao, đó là: sự tha hóa của con người tốt trong môi trường xấu. Có thể thấy một điều: con người đang làm hỏng dần cuộc sống và đối lại, cuộc sống đang hủy diệt những phần tốt đẹp của con người. Vở kịch triết lý sâu sắc về cuộc sống ở mọi tầng ý nghĩa của nó. Với Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang Vũ nhanh chóng trở thành hiện tượng tác giả sân khấu xuất thần của thời kỳ đổi mới, có công lớn góp phần vực dậy cả một nền sân khấu đang khủng hoảng người xem, bởi sự thiếu vắng những kịch bản ấm nóng tính thời sự và sâu sắc tính hiện đại.
Với nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, điều quan trọng nhất trong ông để trở thành hiện tượng của sân khấu là tính tư tưởng trong những thông điệp rõ ràng, sâu sắc ở mỗi kịch bản. Tôi và chúng ta, Khoảnh khắc và vô tận, là những kịch bản có dung lượng đời sống được dồn nén, ắp đầy toát lên quá trình đấu tranh tìm ra chỗ đứng chân chính của mỗi người trong cuộc sống. Tính phản biện sắc sảo trong kịch Lưu Quang Vũ là một trong những yếu tố hấp dẫn tự thân của tác phẩm. Khi xã hội hân hoan chuyện bầu lãnh đạo, qua kịch bản của ông là một phát hiện: Chỉ bầu chọn khi người bầu thực sự là chủ chứ không phải người làm thuê. Khi rộ lên chuyện “cởi trói”, ông khẳng định trong tác phẩm: Tự do như khí trời vốn là lẽ tự nhiên và đó là Quyền được hạnh phúc. Và có thể nói, Quyền được hạnh phúc là tác phẩm tập trung những tư tưởng dân chủ nhất mang nặng khao khát của tác giả cũng như của công chúng. Tính phản biện trong kịch bản của ông có lúc từ chỗ đứng hiện tại nhìn về quá khứ, nhẹ nhàng trước những ấu trĩ một thời để rút ra bài học hôm nay qua Ông không phải bố tôi.
Và điều cuối cùng trong hiện tượng Lưu Quang Vũ là kịch bản của ông luôn khiến khán giả tin tưởng vào những điều tốt đẹp. Đó là niềm tin vào sự chính trực, ngay thẳng, là niềm tin vào tình đồng đội, tình bạn, tình đồng chí cao quý không gì có thể thay thế, là niềm tin vào tình yêu thủy chung, tất cả với khát vọng là những Điều không thể mất. Tác phẩm của ông dù có phản ánh những tiêu cực trong cuộc sống song không hề thấy ở đó sự móc máy mà ngược lại, thấm đẫm chất nhân văn.
Đó chính là tài năng sáng tạo, là những trăn trở về lẽ sống của Lưu Quang Vũ gửi gắm trong các nhân vật của mình. Những vấn đề đặt ra trong kịch Lưu Quang Vũ lại được các thế hệ đạo diễn hôm nay thổi bùng lên với những tình tiết, bối cảnh mang xu hướng hiện đại khiến người xem vẫn thấy hơi thở cuộc sống đang nóng hổi và sự việc như vừa diễn ra.
Có thể nói Lưu Quang Vũ tồn tại cùng quá khứ, hiện tại và tương lai. Ông không chỉ tạo ra được những tấm kính phẳng để phản ánh cuộc sống cho chúng ta soi chiếu mà còn tạo ra những viên ngọc để thời nào cũng trong, cũng sáng.