Cuộc thi được tổ chức nhằm thông tin bằng hình ảnh sinh động tới đông đảo người dân về những trẻ em khuyết tật đang rất cần được xã hội quan tâm, chăm sóc. Qua đó, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và cộng đồng xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ khuyết tật; vận động toàn xã hội chung tay bảo vệ, hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em khuyết tật, tạo điều kiện cho các em được hưởng các quyền cơ bản của mình như được yêu thương, học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, nuôi dưỡng, nói lên ý kiến của bản thân… để các em có cuộc sống tốt đẹp hơn và thực hiện được ước mơ của mình.
Cuộc thi được phát động từ ngày 1/10/2020, dành cho trẻ em từ 6 - 16 tuổi trên toàn quốc. Sau gần 2 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được gần 5.000 tranh vẽ của trẻ em ở nhiều tỉnh, thành phố, một số Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Công tác xã hội, Làng trẻ em SOS… trên toàn quốc gửi về dự thi, trong đó, có những trẻ em là người khuyết tật, tự kỷ, dân tộc thiểu số (Mông, Sán Dìu).
Sau vòng sơ khảo, Ban Giám khảo (gồm những nhà báo, họa sĩ có uy tín) đã lựa chọn được 120 bức tranh có hình thức đẹp và giàu ý nghĩa nhân văn, đúng chủ đề vào vòng Chung khảo và lựa chọn được 22 bức tranh đẹp, đúng chủ đề nhất để trao giải chung cuộc (gồm 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 6 giải Ba, 10 giải Khuyến khích). Ban Tổ chức còn trao các giải phụ cho cá nhân có nhiều tranh vẽ dự thi; tác giả nhỏ tuổi nhất và tập thể có nhiều tranh vẽ dự thi chất lượng.
Theo Ban Tổ chức, Cuộc thi vẽ tranh “Ước mơ vượt khó” là sân chơi bổ ích, dịp để trẻ em được tự do sáng tạo, thể hiện và trải nghiệm. Hàng trăm bức tranh của các em nhỏ thiệt thòi ở các Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Công tác xã hội gửi tới cuộc thi. Mặc dù có hoàn cảnh sống khó khăn, thậm chí khuyết tật nhưng các em rất có năng khiếu sáng tạo, có cá tính hội họa rất riêng. Mỗi bức tranh như một câu chuyện thể hiện ước mơ vượt khó của các em. Có em ngồi xe lăn mơ mình có đôi cánh bay lên; em bị khiếm thị mơ trở thành nghệ sỹ piano với đôi tay lướt trên phím đàn điệu nghệ; nhiều em bị khuyết tật chân ước mơ được tham gia giải bơi lội dành cho người khuyết tật thế giới Paragame, đá bóng, chơi bóng bàn, cầu lông, khiêu vũ.
Khá nhiều bức tranh thể hiện mơ ước được sống trong tình yêu thương ấm áp của người thân, thầy cô giáo ở trường học, những cơ sở bảo vệ chăm sóc trẻ em… Qua đó, có thể thấy, những khuyết tật, thiếu thốn không thể làm giảm đi tinh thần lạc quan, sự hồn nhiên và tình yêu cuộc sống của các em.
Ban Tổ chức cũng cho biết, các tranh vẽ vào Chung khảo đều có nội dung phản ánh về các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em khuyết tật. Thông điệp truyền tải trong tranh của các em đều xoay quanh ước muốn được yêu thương, giúp đỡ và chăm sóc về sức khỏe, giáo dục, dinh dưỡng, vui chơi giải trí, không phân biệt kỳ thị…
Ban Tổ chức đánh giá, một số tác phẩm dự thi đã phá vỡ mọi giới hạn và đem lại những rung cảm trong sáng tuyệt vời cho người xem; những gì được thể hiện trong tranh vẽ của các em là chuẩn mực của cái đẹp mà rất nhiều người lớn cần trân trọng và học hỏi. Bằng trí tưởng tượng và sức sáng tạo ở độ tuổi của các em thì đó chính là những tác phẩm nghệ thuật thực sự.