Sức sống mới trên những bản làng ở Phú Thọ

Một trong 19 chỉ tiêu mà Phú Thọ đạt và vượt kế hoạch đề ra trên con đường phấn đấu trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc là chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. 

Chú thích ảnh
Hộ đối tượng chính sách nhận vốn vay tại Điểm giao dịch xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba.

Nhiều thôn bản trên rẻo cao có thêm sức sống mới; đời sống vật chất tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5%/năm; cụ thể đến nay toàn tỉnh còn có 4,7% hộ nghèo; hơn một nửa số xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; huyện Tân Sơn cùng 8 huyện nghèo khác của cả nước được xóa tên khỏi danh sách 64 huyện nghèo 30a giai doạn 2018-2020.
Thành tựu này có sự chung tay góp sức của nguồn vốn tín dụng chính sách làm thay đổi diện mạo miền đất thiêng nguồn cội của đất nước. Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Phú Thọ Trương Việt Phương vui mừng cho biết, xuyên xuốt chặng đường 18 năm xây dựng và phát triển, đơn vị đã được ngân hàng cấp trên và lãnh đạo địa phương tin tưởng giao phó thực hiện đến 16 chương trình tín dụng chính sách và luôn quan tâm bổ sung nguồn vốn hoạt động lên đến 4.433 tỷ đồng để cho vay hộ nghèo và các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo các cấp, đặc biệt thông qua sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nên các nguồn lực tài chính ở Phú Thọ có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước đã được quy về một đầu mối là NHCSXH. Hàng năm, UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc đều cân đối nguồn vốn ngân sách, chuyển sang NHCSXH thực hiện cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các quỹ hỗ trợ nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh… cũng bàn giao ủy thác cho NHCSXH quản lý, cho vay đúng đối tượng chính sách. Nhờ đó, dư nợ nguồn vốn chính sách trên địa bàn Phú Thọ năm 2020 đạt 4.428 tỷ đồng, tăng 239 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. 

Chú thích ảnh
Hộ vay vốn chăn nuôi hiệu quả ở xã Yên Lãng, huyện Thanh Sơn.

Cũng từ sự quan tâm chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể địa phương, NHCSXH Phú Thọ đã kiên trì, năng động thực hiện các quy trình, thủ tục, phương thức cấp tín dụng chính sách, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống của người nghèo và các đối tượng chính sách ở miền đất tổ Hùng Vương. Các cán bộ tín dụng “áo hồng” luôn lặn lộn, bám sát cơ sở cùng bàn bạc kỹ lưỡng với cán bộ chính quyền, đoàn thể để hướng dẫn người nghèo vay vốn, sử dụng vốn vay đạt hiệu quả. NHCSXH Phú Thọ cũng củng cố mạng lưới 225 điểm giao dịch xã cùng hệ thống 3.861 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).

Nguồn vốn chính sách đã giúp đỡ nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có điều kiện phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; đồng thời góp phần phòng ngừa, hạn chế nạn “cho vay nặng lãi, bán lúa non” và mới đây là cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Gia đình ông Nguyễn Mạnh Quân, ở khu 9, xã Khải Xuân là một trong nhiều trường hợp đang thụ hưởng lợi ích từ các chương trình tín dụng chính sách. Qua trò chuyện được biết, ông Quân đã vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo vào đầu năm 2017 để đầu tư nuôi bò sinh sản. Sau 3 năm miệt mài chăm sóc, gia đình đã vươn lên thoát nghèo và tiếp tục vay thêm 70 triệu từ chương trình dành cho đối tượng hộ cận nghèo trong năm 2020 để mở rộng chuồng trại quy mô sản xuất lên 9 con bò sinh sản, 500 con gà thương phẩm và 2,5 ha rừng cây nguyên liệu.

Chú thích ảnh
Hộ vay vốn nuôi thỏ ở xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng.

Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, huyện Đoan Hùng đã có 5 năm liền tiến hành tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Giám đốc NHCSXH huyện, ông Nguyễn Trọng Hải đã cùng Chủ tịch UBND các xã về tận cơ sở làm công tác điều tra, rà soát đảm bảo chính xác, dân chủ, khách quan, đúng đối tượng. Tại xã Vân Đồn, 100% khu dân cư đã hoàn tất công tác rà soát, báo cáo kết quả chính thức về số lượng hộ nghèo, cận nghèo để việc cho vay vốn được chính xác, kịp thời. Nhờ vậy, gia đình chị Nguyễn Thị Quế ở khu 4 là một trong những hộ khi tiến hành rà soát có đủ điều kiện thoát nghèo, nhưng vẫn được bình xét vay tiếp vốn chính sách thuộc chương trình giải quyết việc làm để có thêm điều kiện mở rộng cơ sở làm nấm rơm, thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.

Xã Yên Lãng (Thanh Sơn) có hơn 80% đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Trước đây, bà con luôn thiếu cái ăn, cái mặc thì nay đời sống có nhiều khởi sắc. “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và NHCSXH huyện hỗ trợ nhiều vốn vay, sản xuất nông lâm trong xã phát triển, đời sống nhân dân cải thiện nhiều”, Chủ tịch UBND xã Đinh Tuấn Minh phấn khởi cho biết.
Bà Đinh Thị Nhâm, một trong những hộ gia đình đã thoát nghèo, trả hết nợ vay ngân hàng, vừa xây được nhà kiên cố để đón xuân Tân Sửu, vui vẻ cho biết: “Nhờ có chính sách vay vốn ưu đãi của Nhà nước, gia đình tôi đã thoát nghèo. Ăn Tết xong, nhà tôi sẽ được vay vốn ưu đãi tiếp. Cám ơn Đảng, Nhà nước, NHCSXH rất nhiều”.

Giám đốc NHCSXH huyện Thanh Sơn, ông Nguyễn Ngọc Lâm cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ ưu tiên cho đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng có thiệt hại về dịch bệnh, thiên tai… tiếp cận vốn ưu đãi gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn và tiếp cận các dịch vụ được cung cấp”.

Đó không chỉ là lời hứa của một cán bộ quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách ở một huyện miền núi dân tộc thuộc tỉnh Phú Thọ mà đây chính là phương châm hành động của những người làm tín dụng trong toàn hệ thống NHCSXH  lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Đảng lần thứ XIII và vui đón xuân Tân Sửu.

Bài: Đông Dư, ảnh: Trần Việt
Ngân hàng Chính sách xã hội đón nhận danh hiệu AHLĐ thời kỳ đổi mới
Ngân hàng Chính sách xã hội đón nhận danh hiệu AHLĐ thời kỳ đổi mới

Chiều 21/12, Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội nghị tổng kết Chiến lược phát triển giai đoạn 2011 – 2020 và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN