Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng dự và phát biểu chỉ đạo.
Tín dụng chính sách xã hội có tính nhân văn sâu sắc
Trang trọng gắn danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới lên lá cờ truyền thống của Ngân hàng Chính sách xã hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu nêu rõ, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước, thể hiện tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Phó Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng khi Chiến lược phát triển Ngân hàng chính sách xã hội giai đoạn 2011 - 2020 được thực hiện thành công, hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược, đặc biệt là sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 401/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 40.
“Tín dụng chính sách xã hội thực sự là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của nước ta, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội của đất nước, đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020”, Phó Chủ tịch nước khẳng định.
Theo Phó Chủ tịch nước, việc tập trung huy động được các nguồn lực tài chính theo phương châm Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm, Trung ương và địa phương cùng làm, đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.
Phó Chủ tịch nước cũng ghi nhận Ngân hàng đã triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn rất thấp, chỉ chiếm 0,24 %. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã phát huy hiệu quả kinh tế xã hội, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.
“Ngân hàng Chính sách xã hội giúp cho việc quản lý vốn cũng như các đối tượng thụ hưởng tiếp cận nguồn vốn hiệu quả hơn. Kết quả phân loại đáng vui mừng là trên 95% tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tốt và khá. Đây được xem là mô hình đặc thù ưu việt của NHCSXH, phù hợp với hệ thống chính trị của nước ta và cùng với cách thức tổ chức mạng lưới giao dịch tại các Điểm giao dịch UBND cấp xã trên toàn quốc của NHCSXH với người nghèo và các đối tượng chính sách khác được thực hiện nhanh chóng thuận lợi, có sự phối hợp giám sát quản lý tốt, tỷ lệ giải ngân thu nợ đạt trên 90%, đặc biệt tỷ lệ thu lãi đạt trên 98%”, Phó Chủ tịch nước nêu.
Phó Chủ tịch nước đề nghị Ngân hàng tiếp tục phát triển theo hướng tự chủ, ổn định, bền vững; xây dựng chiến lược phát triển 10 năm tiếp theo, đảm bảo tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; thường xuyên rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo điều kiện triển khai vay vốn kịp thời, đúng đối tượng; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phổ biến, tuyên truyền và phối hợp triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng chính sách xã hội và các luật có liên quan, nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội; nghiên cứu, đề xuất tích hợp các chương trình tín dụng ưu đãi để tập trung nguồn lực, tránh dàn trải; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động, tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật về tín dụng chính sách xã hội; củng cố, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin…
Phó Chủ tịch nước tin tưởng, Ngân hàng sẽ không ngừng phát triển, giữ vững niềm tin của xã hội như phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.
Tại buổi lễ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân trong và ngoài Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tín dụng chính sách đã đến 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cho biết, giai đoạn 2011 – 2020, tốc độ tăng trưởng tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt bình quân 10%/năm. Quy mô tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách tăng gấp 2,6 lần, từ 90.400 tỷ đồng năm 2010 lên 235.661 tỷ đồng ước đến thời điểm 31/12/2020. Các nguồn lực tài chính được tập trung huy động đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Việc thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội; ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào ở các vùng khó khăn. Quy mô tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tăng gấp 2,5 lần, từ 89.462 tỷ đồng năm 2010 lên 226.264 tỷ đồng vào cuối năm 2020, với gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, trong đó, dư nợ cho hay hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 56.344 tỷ đồng. Tín dụng chính sách đã đến 100% các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Ketut Kusuma – Điều phối viên quốc gia về lĩnh vực tài chính của Ngân hàng Thế giới nhận định, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam là đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính vi mô lớn nhất Việt Nam và là một trong những ngân hàng cung cấp tài chính vi mô lớn nhất châu Á. Có được sự thành công này là nhờ Việt Nam đã nghiên cứu kỹ kinh nghiệm của các nước trên thế giới và tìm ra hướng đi riêng phù hợp với văn hóa, lịch sử và cấu trúc xã hội Việt Nam. Đó là thiết lập được mối quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo và đối tác chặt chẽ giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị - xã hội, từ trung ương đến địa phương trong việc cung cấp, giám sát tín dụng. Đồng thời kết hợp được tín dụng với các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình khuyến khích phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học công nghệ mới. Thành công của việc triển khai tín dụng chính sách xã hội ở Việt Nam cũng góp phần vào việc Việt Nam sớm đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ trước thời hạn.
Ông Ketut Kusuma bày tỏ ấn tượng với những thành tựu Ngân hàng Chính sách xã hội đã đạt được, qua các con số: gần 6,5 triệu hộ gia đình được vay vốn với dư nợ gần 10 tỷ USD thông qua mạng lưới toàn quốc bao gồm 63 chi nhánh tỉnh, 625 phòng giao dịch huyện, 10.426 điểm giao dịch ở cấp xã và gần 173.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Thông qua mạng lưới này, Ngân hàng đã tiếp cận khoảng 92% tổng số hộ vay và chiếm tới 87% giá trị tổng các khoản cho vay trong thị trường tài chính vi mô Việt Nam.