Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Long, hiện tỉnh có 5 đơn vị hành chính thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và có 3 đơn vị áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15/CT-TTg. Sau một tuần thực hiện giãn cách, tổng số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng phát sinh trên địa bàn là 208 ca, số ca mắc mới trung bình là 30 ca/ngày. Trong tuần thực hiện giãn cách đã truy vết 959 F1, 5.385 F2 tại 107 xã, phường, thị trấn.
Thực hiện công tác truy vết, sàng lọc các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 tại Khu công nghiệp trên địa bàn, tỉnh tiến hành test nhanh sàng lọc cho 25.269 công nhân các công ty, phát hiện 35 trường hợp test nhanh dương tính với SARS-CoV-2, 13 trường hợp cho kết quả PCR dương tính với SARS-CoV-2, 3 trường hợp âm tính và 19 trường hợp đang chờ kết quả.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Long, số ca mắc phát sinh cao trong các ngày qua là do tỉnh thực hiện giãn cách, tập trung truy vết, lấy mẫu các trường hợp liên quan đến các ca mắc trong cộng đồng. Đa phần ca mắc mới được phát hiện trong khu cách ly, khu phong tỏa. Tuy nhiên, hiện vẫn còn xuất hiện rải rác một vài trường hợp ca mắc COVID-19 phát sinh trong cộng đồng do đến xét nghiệm sàng lọc tại cơ sở y tế, nguồn lây do người từ Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ về địa phương.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Văn Công Minh cho biết, hiện nay tỉnh vẫn đang đối mặt với nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng vào khu công nghiệp và ngược lại từ khu công nghiệp ra cộng đồng. Một số khu vực dân cư, nhà trọ, khu phố tại địa phương đã có hiện tượng lây nhiễm thứ phát ra cộng đồng từ một số công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Phú.
Trước những diễn biến mới của dịch bệnh, ngành Y tế tỉnh đang phối hợp với các địa phương khảo sát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập thêm các cơ sở cách ly tập trung để đảm bảo nhu cầu cách ly các F1; nâng công suất thu dung, điều trị lên 1.000 giường; chuyển một số trung tâm y tế từ khám chữa bệnh bình thường sang công năng khám, điều trị bệnh nhân COVID-19. Ngành Y tế tỉnh cũng đang có phương án điều chuyển hệ thống xét nghiệm sang các cơ sở đủ năng lực để thực hiện, kêu gọi cơ sở y tế tư nhân cùng tham gia để nâng cao năng lực khẳng định PCR tại tỉnh, đảm bảo xét nghiệm tối thiểu 3.000 mẫu/ngày. Đặc biệt, ngành Y tế đề nghị tỉnh xem xét tiếp tục thực hiện giãn cách quyết liệt hơn để kiểm soát số ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lê Quang Trung cho biết, qua một nửa thời gian áp dụng giãn cách xã hội đến nay đã góp phần giúp tỉnh khoanh vùng, xác định được các chuỗi lây nhiễm có nguy cơ. Tuy nhiên, hiện tại các ổ dịch trong cộng đồng còn tiềm ẩn nguy cơ rất cao, nếu tỉnh không kiểm soát được thì khả năng dịch bệnh lây lan và bùng phát mạnh trên địa bàn là rất lớn. Để sớm kiểm soát tình hình, quyết tâm dập dịch, tỉnh xem xét, chuẩn bị các phương án để áp dụng nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên toàn tỉnh để khống chế được dịch bệnh lây lan ngoài cộng đồng.
Các địa phương trong tỉnh cần tập trung thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách, cách ly với quyết tâm thật cao, đảm bảo giãn cách theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, khóm/ấp cách ly với khóm/ấp, xã/phường/thị trấn cách ly với xã/phường/thị trấn, huyện/thành phố cách ly với huyện/thành phố; các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành cách ly ở các khu cách ly và khu phong tỏa, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trong quá trình thực hiện, đảm bảo việc cách ly nghiêm ngặt, đúng quy định.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long yêu cầu các địa phương phân công lực lượng thực hiện nghiêm việc khai báo và quản lý y tế đối với người về từ vùng dịch; rà soát nhanh lại tất cả các trường hợp từ vùng dịch về tỉnh, nắm tình hình về việc thực hiện khai báo y tế, quản lý theo hướng dẫn Bộ Y tế, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trong ngày 17/7 để có phương án quản lý phù hợp, không để mất kiểm soát đối với các trường hợp này dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh ở các địa phương.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các địa phương cần huy động tất cả nguồn lực vào công tác phòng, chống dịch, phân công nhiệm vụ cụ thể "rõ người, rõ việc", phát huy vai trò người đứng đầu đơn vị nắm tình hình để kịp thời tham mưu hướng xử lý, đồng thời tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch từ cơ sở. Các địa phương phải có phương án đảm bảo "4 tại chỗ", trong đó phải có dự trù cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực để có thể điều động tham gia phòng, chống dịch trong những tình huống phức tạp hơn.
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long lưu ý ngành Y tế, các địa phương cần xử lý nhanh tình huống khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm trong cộng đồng, tiến hành truy vết nhanh, xét nghiệm, khoanh vùng gọn các nơi có yếu tố dịch tễ liên quan; các địa phương phải chủ động phong tỏa cục bộ, khoanh vùng, dập dịch ngay, không chần chừ để mất "thời gian vàng" dập dịch. Đối với tình hình ổ dịch tại Khu Công nghiệp Hòa Phú, tỉnh sẽ thành lập ngay các đoàn kiểm tra đủ thẩm quyền để kiểm tra, đánh giá, nếu đảm bảo đủ các điều kiện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 thì cho hoạt động, các trường hợp chưa đảm bảo thì kiên quyết tạm dừng chờ bổ sung đầy đủ mới được phép hoạt động trở lại.
Tỉnh Vĩnh Long cũng yêu cầu các ngành chuyên môn nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ các đối tượng theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ phòng, chống dịch, thực hiện tốt công tác an sinh, xã hội, hỗ trợ các đối tượng yếu thế gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh.