Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh, tính từ đầu năm 2022 đến ngày 11/9, toàn tỉnh đã có 5.738 trường hợp mắc, tăng 285% so với cùng kỳ năm 2021. Các huyện có số ca mắc cao gồm: Tánh Linh (1.565 ca), Đức Linh (882 ca), Bắc Bình (825 ca), Hàm Thuận Nam (615 ca)... Bình Thuận đã ghi nhận 5 trường hợp tử vong tại huyện: Đức Linh, Hàm Tân và Hàm Thuận Bắc. Như vậy từ tháng 6/2022 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận trên 5.000 ca mắc mới.
Tại huyện đảo Phú Quý, sau nhiều tháng không ghi nhận ca mắc bệnh thì từ giữa tháng 6/2022 đến nay, bệnh sốt xuất huyết phát sinh và diễn biến phức tạp, có xu hướng lan rộng. Toàn huyện ghi nhận gần 50 ca với 7 ổ bệnh. Xã Long Hải có số ca mắc cao nhất huyện. Trước tình hình này, huyện Phú Quý xây dựng kế hoạch chủ động diệt lăng quăng và phun hóa chất phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Đồng thời, kêu gọi người dân loại bỏ dụng cụ chứa nước mưa, nước đọng tránh làm nơi sinh sản của muỗi; dọn dẹp nhà cửa.
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát mạnh vào mùa mưa. Năm nay, do diễn tiến chu kỳ dịch bệnh (cách 3 - 4 năm thì có một năm bệnh gia tăng đột biến) thêm vào đó thời tiết thay đổi, rác thải, vệ sinh môi trường và ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao khiến bệnh sốt xuất huyết gia tăng. Bên cạnh đó, năm nay, bệnh sốt xuất huyết gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng, thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: sốt, nguy hiểm và hồi phục. Các dấu hiệu nguy hiểm thường xuất hiện vào ngày thứ 4.
Để nâng cao năng lực điều trị, hạn chế các ca chuyển nặng và tử vong, mới đây, hơn 30 y, bác sỹ của các bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh đã tham gia tập huấn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết cho trẻ em do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận phối hợp Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Tại đây, các y, bác sỹ được cập nhật kiến thức, cảnh giác trong thăm khám và điều trị bệnh nhân có triệu chứng sốt; nhận biết sớm bệnh, tránh bỏ sót gây chậm trễ và sai sót trong điều trị; hướng dẫn chẩn đoán bệnh theo phác đồ và hồi sức sốc kéo dài tổn thương tạng trong sốt xuất huyết…
Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát mạnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận duy trì hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân tại các bệnh viện được phân cấp giám sát và tại cộng đồng; giám sát véc tơ và côn trùng truyền bệnh; tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, chống sốt xuất huyết.
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc đặc trị, các biện pháp phòng, chống chủ động từ mỗi người dân là yếu tố quan trọng, quyết định trong công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cùng các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tác động tới ý thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết; tuyên truyền hướng dẫn người dân cách dự trữ nước đúng cách để không phát sinh muỗi, lăng quăng, vệ sinh nhà cửa và không gian thoáng mát, thu gom, loại bỏ các vật liệu phế thải tránh ao tù nước đọng quanh khu vực sinh sống…
Ngành Y tế khuyến cáo người dân nên đưa người bệnh đến các cơ sở khám chữa bệnh để được điều trị kịp thời, không tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà khi có các biểu hiện nghi ngờ.