Xu hướng bệnh sốt xuất huyết gia tăng mạnh tại Kiên Giang

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng mạnh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Chú thích ảnh
Bác sĩ Bệnh viện Sản – Nhi Kiên Giang khám, điều trị cho trẻ sốt xuất huyết. 

Từ đầu năm đến hết tháng 8/2022, địa bàn tỉnh có hơn 2.100 ca mắc, tăng gấp 3,1 lần so với cùng kỳ năm 2021; trong đó có nhiều ca biến chứng nặng, một ca tử vong. Các huyện, thành phố có số bệnh nhân sốt xuất huyết nhiều là: Phú Quốc 309 ca, Rạch Giá 94 ca, Châu Thành 83 ca, Giồng Riềng 80 ca…

Bác sĩ Danh Tý, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Kiên Giang cho biết, sở dĩ có tình trạng trên do thời tiết vào mùa mưa tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản. Bên cạnh đó, nhiều người dân lơ là với dịch bệnh sốt xuất huyết, một số người dân chưa biết cách phòng bệnh này.

Bệnh viện đã được Bộ Y tế, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh… hỗ trợ tập huấn về phác đồ điều trị, hội chẩn điều trị cho các ca bệnh phức tạp. Bên cạnh đó, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền… được cung ứng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu điều trị sốt xuất huyết. 8 tháng của năm nay, Bệnh viện Sản - Nhi Kiên Giang đã tiếp nhận điều trị 1.169 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó 214 ca nặng phải điều trị chống sốc, một bệnh nhi 9 tháng tuổi tử vong.

Ngăn chặn, không để bệnh sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang yêu cầu các huyện, thành phố không chủ quan, lơ là, đề cao cảnh giác trước tình hình dịch bệnh, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống và dập dịch, không để hình thành ổ dịch mới. Các địa phương phát động, triển khai chiến dịch, vận động người dân tham gia vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy), nhất là tại các địa bàn có nguy cơ cao xuất hiện dịch sốt xuất huyết.

Tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Sở Y tế trên cơ sở cân đối nguồn lực từ ngân sách và huy động từ xã hội để nâng cao hơn nữa năng lực y tế dự phòng, y tế tuyến cơ sở; tổ chức mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị; bảo đảm đủ thuốc, vật tư thiết bị y tế, nhân lực cho phòng, chống và chữa bệnh sốt xuất huyết cho nhân dân. Sở thực hiện phân tuyến điều trị, tăng cường năng lực chẩn đoán, hạn chế thấp nhất các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong.

Ngành chức năng tỉnh, cơ quan thông tin truyền thông cùng với các địa phương tăng cường tuyên truyền sâu rộng để nâng cao ý thức phòng, chống sốt xuất huyết trong cộng đồng; vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết, thực hiện phong trào vệ sinh phòng dịch, diệt trừ muỗi, lăng quăng bằng nhiều hình thức.

Tin, ảnh: Lê Huy Hải (TTXVN)
Kết quả khả quan từ việc điều trị sốt xuất huyết bằng Đông - Tây y kết hợp
Kết quả khả quan từ việc điều trị sốt xuất huyết bằng Đông - Tây y kết hợp

Trong bối cảnh dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, cùng với các biện pháp phòng bệnh luôn được Bộ Y tế và các Sở Y tế khuyến cáo, vấn đề điều trị cho người mắc sốt xuất huyết cũng được quan tâm. Bên cạnh việc điều trị theo phương pháp Tây y, từ lâu Bệnh viện Y học cổ truyền TP Hồ Chí Minh đã phối hợp cả Đông - Tây y trong điều trị sốt xuất huyết; phương pháp này đã mang lại một số kết quả khả quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN