Trong ngày 17/1, có 68 bệnh nhân khỏi bệnh và ra viện; hiện có 1.163 ca đang được điều trị; có 1 ca bệnh tử vong tại Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 số 1 tỉnh Phú Thọ (bệnh nhân 103 tuổi, thể trạng suy kiệt, già yếu).
Phú Thọ đang ở cấp độ 1 của dịch với 11/13 huyện, thị xã, thành phố ở cấp độ 1; riêng huyện Thanh Thủy và huyện Lâm Thao cấp độ 2. Toàn tỉnh có 3 xã ở cấp độ 3; 27 xã ở cấp độ 2 và 195 xã, phường, thị trấn còn lại ở cấp độ 1.
Hiện Phú Thọ có 97,6% người trên 18 tuổi được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19; có 97,7% trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm 1 mũi, trong đó có 76,3% trẻ được tiêm đủ 2 mũi.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Sở Y tế Phú Thọ đã ban hành văn bản về việc triển khai mở rộng quản lý, điều trị người mắc COVID-19 tại nhà, nơi cư trú.
Theo đó, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ đề nghị UBND các huyện, thành, thị và các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai ưu tiên tối đa việc quản lý, theo dõi và điều trị các F0 tại nhà/nơi cư trú; thành lập, củng cố, kiện toàn các Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng (Tổ phòng, chống COVID cộng đồng); đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, đặc biệt là đối với nhóm có nguy cơ cao (người có bệnh lý nền, người cao tuổi...).
Các Trung tâm Y tế, các Bệnh viện đa khoa/chuyên khoa trên địa bàn tỉnh là đầu mối tham mưu cho lãnh đạo UBND các huyện, thành, thị ban hành các quy định, quy trình, phân công các lực lượng trong việc tổ chức quản lý, theo dõi, điều trị F0 tại nhà/nơi cư trú; chịu trách nhiệm khám, phân loại, chỉ định điều trị cho các F0, đảm bảo ưu tiên tối đa việc các F0 được quản lý, theo dõi và điều trị tại nhà/nơi cư trú; chỉ chuyển vào Bệnh viện dã chiến của tỉnh những trường hợp không đáp ứng các điều kiện về sức khỏe hoặc nhà/nơi cư trú không đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất.
Đồng thời, các Trung tâm Y tế, Bệnh viện đa khoa/chuyên khoa ổ chức cấp phát thuốc, vật tư y tế, phương tiện phòng hộ để phục vụ cho công tác quản lý, điều trị F0 tại nhà/nơi cư trú đảm bảo chặt chẽ, an toàn, hiệu quả, không thất thoát, lãng phí; chịu trách nhiệm toàn diện trong việc theo dõi diễn biến của các F0 điều trị tại nhà/nơi cư trú; không để bất kỳ F0 điều trị tại nhà/nơi cư trú nào không được quản lý, theo dõi, tư vấn hằng ngày bởi cán bộ Y tế và/hoặc Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng; triển khai mở rộng sử dụng thuốc điều trị COVID-19 cho F0 được quản lý, điều trị tại nhà/nơi cư trú; phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện trong việc hỗ trợ cấp cứu, vận chuyển các trường hợp F0 diễn biến nặng, không để bất kỳ F0 nào điều trị tại nhà/nơi cư trú có dấu hiệu chuyển nặng mà không được phát hiện kịp thời để khẩn trương chuyển lên Bệnh viện dã chiến của tỉnh.
Các Bệnh viện đa khoa/chuyên khoa phối kết hợp chặt chẽ với các Trung tâm Y tế huyện, thành, thị trong việc tổ chức quản lý, theo dõi và điều trị các F0 tại nhà/nơi cư trú; thành lập các Tổ cấp cứu thường trực 24/7 để sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu, vận chuyển các trường hợp F0 khi có yêu cầu.
Riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện trong việc quản lý, vận hành Bệnh viện dã chiến số 1 và số 2 của tỉnh; thiết lập hệ thống thông tin liên lạc phù hợp, sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị xử trí cấp cứu thông qua hội chẩn từ xa; tiếp tục bảo quản, quản lý, xuất cấp thuốc điều trị COVID-19 cho các đơn vị để điều trị cho các F0 tại nhà/nơi cư trú, bảo đảm chặt chẽ, đúng thủ tục, an toàn. Trước mắt, ưu tiên sử dụng hết số thuốc Monulpiravir 200mg trong Chương trình điều trị có kiểm soát của Bộ Y tế, sau đó sẽ sử dụng Avigan tablets 200 mg.