Ninh Bình chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, không để lây lan rộng

Theo ngành Y tế Ninh Bình, số ca mắc bệnh tay chân miệng ở trẻ em đang tăng cao. Nhằm tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng, giảm thấp nhất số trường hợp mắc, tử vong, ngành Y tế tỉnh khuyến cáo các địa phương, cơ sở giáo dục, gia đình chủ động các biện pháp ngăn chặn, không để dịch bệnh lây lan. 

Chú thích ảnh
Thăm khám trẻ nghi mắc bệnh tay chân miệng. Ảnh: TTXVN phát

Từ đầu năm đến ngày 13/6, Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình đã tiếp nhận 178 trẻ mắc tay chân miệng phải nhập viện; tính riêng từ tháng 5 đến ngày 13/6 có 174 trẻ nhập viện. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận khám cho 350 đến 400 trẻ, trong đó số bệnh nhân mắc tay chân miệng chiếm 2/3, đa phần đều ở thể nhẹ và điều trị tại nhà. 

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Nga, Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình cho biết, bệnh tay chân miệng thường xuất hiện vào mùa hè. Khi thời tiết chuyển nóng, số bệnh nhân mắc tay chân miệng thường gia tăng. Năm nay số ca mắc bệnh này có xu hướng tăng hơn, tuy nhiên, các dấu hiệu chuyển bệnh nặng hơn chưa có đột biến.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa nên việc chăm sóc trẻ liên quan đến bệnh lý truyền nhiễm nói chung lây qua đường tiêu hóa nói riêng. Phụ huynh cần chú ý chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ ở nhà, vệ sinh tay, hạn chế nơi tập trung đông người. 

Nhằm chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, không để bùng phát, lan rộng và kéo dài, UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn, tập trung vào các vùng có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch.

Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ bệnh mới phát sinh, khoanh vùng và xử lý triệt để ngay khi phát hiện; tăng cường các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động nhằm sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ bệnh và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ bệnh; tổ chức cấp cứu, điều trị khi cần thiết.

Các cơ sở y tế phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế người nhà vào thăm bệnh nhân, lưu ý các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.

Sở Y tế tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe; chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tập trung kiểm tra các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng; hỗ trợ các địa phương khắc phục các tồn tại, giải quyết khó khăn, vướng mắc để có các biện pháp chỉ đạo kịp thời và phù hợp nhằm ngăn chặn dịch lan rộng, kéo dài.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với ngành Y tế tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng và các dịch bệnh trong trường học; bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ, trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.

Hải Yến  (TTXVN)
Gia tăng bệnh nhi mắc tay chân miệng tại Vĩnh Phúc
Gia tăng bệnh nhi mắc tay chân miệng tại Vĩnh Phúc

Từ đầu năm đến ngày 13/6, tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận 309 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó chỉ riêng 13 ngày đầu tháng 6 có tới 139 ca mắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN