BS Nguyễn Thành Lê, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Bệnh tay chân miệng do virus gây ra nên việc điều trị chủ yếu là chăm sóc, điều trị các triệu chứng. Trẻ mắc tay chân miệng thường có biểu hiện bên ngoài như: Xuất hiện phát ban, phỏng nước trên da, vét loét trong miệng... khiến trẻ khó chịu.
Theo đó, nếu cha mẹ thấy trẻ có vết loét ở miệng, có thể dùng các sản phẩm giảm đau tại chỗ để bôi cho trẻ, giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn. Sau vài ngày, các vết loét này sẽ biến mất.
Với những vết ban đỏ, phỏng nước xuất hiện trên da trẻ, cha mẹ không nên chọc vỡ, chỉ cần vệ sinh hàng ngày, tắm rửa sạch sẽ cho trẻ. Các nốt ban trên da này cũng sẽ se lại sau vài ngày nếu vệ sinh, chăm sóc tốt.
BS Nguyễn Thành Lê cũng lưu ý, đa số trẻ mắc tay chân miệng đều ổn định, tự khỏi sau khoảng 7 ngày. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất với bệnh tay chân miệng chính là một số trường hợp trẻ dễ chuyển nặng nhanh; một số có thể biến chứng viêm não, phù phổi, viêm cơ tim, sốc... Vì vậy, khi thấy trẻ sốt trên 2 ngày hoặc sốt cao trên 39 độ C, có biểu hiện giật mình (có thể tình trạng của trẻ đã ở mức độ 2)... cần được đi khám để bác sĩ xem xét, đánh giá mức độ nặng, biến chứng của bệnh.
Cụ thể, các dấu hiệu cơ bản giúp cha mẹ sớm phát hiện tình trạng trở nặng khi trẻ mắc tay chân miệng gồm: Trẻ sốt ca, giật mình, nôn nhiều, phát ban, thay đổi ý thức, run chi, đi đứng loạng choạng...
Bác sĩ cũng khuyến cáo, trẻ mắc bệnh tay chân miệng cần được chăm sóc đúng cách theo hướng dẫn của nhân viên y tế; cha mẹ không nên cho con uống thuốc nam, không rõ nguồn gốc hoặc chích vào những ban phỏng nước trên da trẻ, tránh những tổn thương không đáng có, thậm chí gây nguy hiểm cho trẻ.