Việt Nam có 3 doanh nghiệp tiên phong, có đủ nguồn lực, kinh nghiệm nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đó là: Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương Navetco, Công ty TNHH MTV AVAC và Công ty cổ phần tập đoàn Dabaco.
Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020, Công ty TNHH MTV AVAC đã nghiên cứu, sản xuất thành công tế bào dòng DMAC. Tháng 1/2021, công ty đã tiếp nhận chủng virus vaccine ASFV-G-∆MGF từ Mỹ và tổ chức nghiên cứu, đánh giá trong phòng thí nghiệm của 3 lô vaccine.
Tháng 10/2021, 3 lô vaccine dịch tả lợn châu Phi của Công ty TNHH MTV AVAC được kiểm nghiệm theo quy định với kết quả đạt tiêu chuẩn vô trùng, an toàn và hiệu lực bảo hộ từ 80-100% số lợn thí nghiệm. Độ dài miễn dịch của vaccine đạt 4 tháng đối với lợn thịt 4 tuần tuổi trở lên.
Tháng 3/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV AVAC tổ chức đánh giá sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE trong điều kiện sản xuất, tại các trang trại chăn nuôi lợn có quy mô khác nhau, từ 300-16.000 lợn thịt. Kết quả bảo hộ đạt 95% số lợn tiêm vaacine. Hiện nay, công ty đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký lưu hành theo quy định.
Tại Công ty cổ phần tập đoàn Dabaco, tháng 9/2021, công ty đã tiếp nhận chủng virut vaccine dịch tả lợn châu Phi nhược độc ∆I177L/∆LVR và tế bào dòng PIPEC từ Mỹ. Công ty đã nghiên cứu, sản xuất được vaccine dịch tả lợn châu Phi nhược độc đông khô.
Từ tháng 3/2022 đến nay, vaccine dịch tả lợn châu Phi nhược độc đông khô DACOVAC-ASF2 của Công ty cổ phần tập đoàn Dabaco đang được kiểm nghiệm đánh giá chất lượng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ tiếp tục chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, đánh giá chất lượng vaccine cho các đối tượng lợn khác nhau, độ ổn định của vaccine trong các điều kiện bảo quản, sử dụng; đánh giá các yếu tố có thể ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả vaccine trong điều kiện sản xuất, chăn nuôi.
Việc làm chủ công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi lợn phát triển, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, có khả năng xuất khẩu thực phẩm và vaccine dịch tả lợn châu Phi.
Năm 2021, tổng đàn lợn cả nước có 28 triệu con. Sản lượng thịt lợn đạt 4,18 triệu tấn, chiếm 62,5% trong tổng sản lượng thịt hơi 6,69 triệu tấn.
Tại Việt Nam, bệnh dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên xảy ra vào tháng 2/2019, sau đó lây lan ra phạm vi cả nước, buộc phải tiêu hủy trên 6 triệu con lợn, thiệt hại trên 30.000 tỷ đồng, ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020. Đến nay, dịch bệnh vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước.