Hiện chuẩn bị cho bước đánh giá khảo kiểm nghiệm, Cục Thú y song hành với Công ty cổ phần thuốc Thú y Trung ương (Navetco) chuẩn bị báo khoa học để thành lập Hội đồng khoa học quốc gia. Cục Thú y sẽ có kế hoạch cụ thể cho Navetco khảo kiểm nghiệm một cách độc lập thật sự chắc chắn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam đã tiếp nhận chuyển giao từ Mỹ virus chủng I 177L. Chủng virus này khi giải trình tự gen cũng tương đồng với Việt Nam.
Trong quá trình mà nghiên cứu sản xuất vaccine thì đạt được một số kết quả bước đầu. Thứ nhất là đánh giá chủng virus, thứ hai là tạo được môi trường nuôi qua 4 thế hệ và động lực của nó vẫn đảm bảo đủ điều kiện thuần khiết, an toàn, đủ điều kiện để đưa vào sản xuất vaccine.
“Với một phương pháp nghiên cứu hiện đại nhất, đủ số mẫu chỉ tiêu theo dõi rất công phu và tỉ mỉ đúng chuẩn quốc tế.”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.
Đến nay, Công ty Cổ phần thuốc Thú y Trung ương (Navetco) đã sản xuất 5 lô; trong đó đã tổng kết 3 lô, nhưng dự kiến 2 lô còn lại cũng sẽ thành công.
Kết quả tiêm thử nghiệm là trong tổng số 61 con được tiêm vaccine không xảy ra chuyện gì còn những con không tiêm vaccine đã chết 100%. Bên cạnh đó, vaccine cũng đã được tiêm ngoài sản xuất 25 con và hiện đang khỏe mạnh.
Về việc giao cho Công ty cổ phần thuốc Thú y Trung ương nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ, đây là đơn vị có đầy đủ trang thiết bị nghiên cứu hiện đại; có đội ngũ chuyên gia chuyên sâu và đã hàng chục năm nghiên cứu, sản xuất vaccine.
“Đây là vaccine rất quan trọng với Việt Nam nên việc tiến hành nghiên cứu, công nhận sẽ phải tiến hành rất chặt chẽ các khâu, mọi phương diện.”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tin tưởng, nếu có vaccine dịch tả lợn châu Phi thì tốc độ phát triển chăn nuôi lợn sẽ nhanh hơn nữa. Mặc dù các doanh nghiệp đã có tốc độ phát triển nhanh nhưng nếu không giải quyết được cho 5,2 hộ chăn nuôi lợn thì vấn đề an sinh xã hội sẽ là bài toán.
Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với trên 5,9 triệu con lợn phải tiêu hủy.
Năm 2020, dịch tả lợn châu Phi vẫn xảy ra tại 50 tỉnh, thành phố; tổng số lợn tiêu hủy là hơn 87.000 con. Dịch bệnh chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vì không bảo đảm được điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.