Cụ thể, các trạm y tế xã, phường, thị trấn; phòng khám đa khoa tư nhân; phòng khám đa khoa khu vực; phòng khám chuyên khoa Nội, Nhi, các bệnh viện đa khoa tư nhân sẽ tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân sốt xuất huyết mức độ 1 (chủ yếu điều trị triệu chứng và theo dõi chặt để phát hiện sớm triệu chứng sốc sốt xuất huyết).
Trung tâm Y tế các huyện, thành phố; Bệnh viện Đa khoa Cao su Đồng Nai; bệnh viện đa khoa tư nhân tiếp nhận điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết mức độ 1, 2 và 3. Các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết cả 3 mức độ, trong đó tập trung điều trị những trường hợp bệnh nặng.
Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đề nghị các đơn vị tuyến dưới hạn chế vận chuyển người bệnh vượt tuyến, trừ trường hợp quá khả năng điều trị. Khi chuyển tuyến, cần thông báo trước với đơn vị tiếp nhận, ghi chép đầy đủ thông tin diễn biến bệnh, các phương pháp đã điều trị, thực hiện tham vấn của tuyến trên, hội chẩn liên chuyên khoa để giải quyết các ca bệnh khó.
Trường hợp ca bệnh quá khó, các bệnh viện tuyến tỉnh chuyển lên hai bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh đã được Bộ Y tế quy định là Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhiệt đới.
Dịch sốt xuất huyết Dengue bắt đầu gia tăng nhanh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ ngày 21/3. Tính đến ngày 21/7, toàn tỉnh ghi nhận 13.119 ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện; trong đó trẻ em dưới 15 tuổi là 7.724 ca, chiếm 59%, tăng 209% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, toàn tỉnh đã có 11 ca tử vong, tăng 10 ca so với cùng kỳ năm 2021. Số ca nhập viện do mắc sốt xuất huyết tăng ở 11/11 địa phương trong tỉnh so với cùng kỳ năm trước.
Từ đầu năm 2022 đến nay, tổng số ổ dịch được phát hiện trên địa bàn tỉnh là 1.542 ổ. Số ổ dịch đã xử lý toàn tỉnh đạt 98,5%. Các ổ dịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang lưu hành đồng thời 2 loại virus là Dengue 1 và Dengue 2.
Trước tình trạng số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng cả về số ca mắc, số ca nặng phải nhập viện điều trị và số ca tử vong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng đề nghị ngành Y tế nâng cao năng lực điều trị, tăng cường công tác dự phòng, các địa phương tích cực phối hợp phòng, chống dịch, xử lý ổ dịch.
Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, rà soát các điểm nóng về dịch bệnh để có biện pháp can thiệp kịp thời; chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh theo dõi, giám sát tình hình dịch trên toàn tỉnh, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, hỗ trợ tuyến dưới; phân tích, đánh giá, khoanh vùng các điểm nóng về sốt xuất huyết, tiến hành các chiến dịch diệt lăng quăng và phun hóa chất diện rộng liên tục tại các điểm nóng.