Kích cầu du lịch
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai, nhằm kích cầu song song việc đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch, đặc biệt là các ngày nghỉ lễ, tỉnh chỉ đạo các khu, điểm du lịch thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách như: Rà soát các thiết bị trò chơi, nội quy, bố trí cứu hộ, lắp đặt biển cảnh báo, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy… Qua đó, xây dựng thương hiệu du lịch “Đồng Nai - Điểm đến an toàn”, tạo sự yên tâm cho du khách đến tham quan, vui chơi giải trí.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai Lê Thị Ngọc Loan cho biết, tỉnh đang triển khai truyền thông thông điệp kích cầu du lịch với chủ đề “Người Việt Nam du lịch Việt Nam” và “Du lịch Đồng Nai - Điểm đến an toàn”. Nhiều doanh nghiệp du lịch đã xây dựng các gói sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường và chính sách khuyến mãi như: Vietravel chi nhánh Đồng Nai triển khai chương trình kích cầu với các chủ đề “Du xuân bình an - Tết tràn phấn khởi”, “Khuyến mại mùa vàng - Hè ngàn trải nghiệm”; Khu du lịch Sơn Tiên xây dựng các chương trình khuyến mãi với chủ đề “Chào hè rực rỡ - Giá rẻ bất ngờ”, “Tri ân khách hàng Đồng Nai”.
Tỉnh cũng tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức như tham dự các hội chợ triển lãm về du lịch (Hội chợ Triển lãm quốc tế về du lịch tại Hà Nội, Hội chợ Triển lãm quốc tế về du lịch tại TP Hồ Chí Minh, Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, Ngày hội Du lịch biển Nha Trang), Farmtrip (phối hợp Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh tổ chức khảo sát sản phẩm du lịch bằng tàu hỏa),… Qua đó, hỗ trợ các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường.
Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai phối hợp các sở, ngành và các địa phương tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ một số vướng mắc của các dự án phát triển trọng điểm về du lịch để sớm hình thành các khu, điểm du lịch mới. Từ đó, tạo điểm nhấn và đòn bẩy cho du lịch Đồng Nai cất cánh trong những năm tiếp theo.
Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai thời gian qua tiếp tục khảo sát, xây dựng hoàn chỉnh các tour, tuyến, điểm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ du khách. Khu Bảo tồn tập trung kích cầu du lịch theo xu hướng thị trường với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch về nguồn; phương thức là tự tổ chức và liên kết với các công ty, các hãng lữ hành. Ngoài ra, Khu Bảo tồn còn tăng cường phát triển du lịch sinh thái theo Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Đồng Nai, đặc biệt chú trọng các dự án du lịch sinh thái rừng, hồ như: Khu nuôi động vật bán hoang dã Safari, Khu du lịch sinh thái hồ Bà Hào, Công viên thể thao hàng không Đồng Nai.
Nhờ các chính sách kích cầu phù hợp, có thể nói đến thời điểm này, ngành du lịch Đồng Nai cơ bản được phục hồi. Cụ thể, tổng lượt khách đến tham quan và lưu trú 10 tháng năm 2022 đạt 1,9 triệu lượt, tăng 73,2% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ du lịch đạt 1.037 tỷ đồng, tăng 112% so cùng kỳ.
Nhiều giải pháp phát triển du lịch
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai Lê Thị Ngọc Loan nhấn mạnh, để đưa du lịch Đồng Nai trở thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh cần tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội từ các doanh nghiệp du lịch đến cộng đồng xã hội về vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội; nhận thức trách nhiệm trong bảo vệ môi trường du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch và trong thực hiện xây dựng thương hiệu du lịch Đồng Nai là điểm đến an toàn, thân thiện, hiếu khách.
Thực tế, nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối các khu du lịch. Đồng thời, tăng cường mời gọi đầu tư, phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp; quảng bá xúc tiến du lịch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ.
Tỉnh tập trung nâng cao chất lượng đào tạo về du lịch tại các trường trên địa bàn, quan tâm đến đào tạo kỹ năng nghề du lịch. Cùng với đó, Đồng Nai tăng cường liên kết, hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; ưu tiên đầu tư phát triển nhân lực du lịch vùng sâu, vùng xa để từng bước tăng cường năng lực tham gia của cộng đồng dân cư địa phương cho phát triển du lịch. Đồng thời, tỉnh tạo môi trường đầu tư du lịch ổn định, thông thoáng, bình đẳng và đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư; tích cực giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trong quá trình đầu tư để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào các dự án phát triển du lịch.
Các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lương, đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm phục vụ du khách. Vừa qua, Công ty cổ phần thành phố du lịch sinh thái Sơn Tiên đã đưa vào hoạt động Công viên nước Vịnh Kỳ diệu, với tổng số vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng. Đây là công viên nước được công nhận 5 kỷ lục Việt Nam đã tạo thêm sự lựa chọn cho du khách khi đến Đồng Nai.
Tại thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, khu du lịch Đảo Ó - Đồng Trường trên hồ Trị An từ lâu đã là một trong những điểm đến với những sản phẩm du lịch độc đáo được du khách yêu thích. Khu du lịch là hai hòn đảo nằm biệt lập giữa mênh mông trời nước, có vẻ đẹp lãng mạn nên thơ với không gian yên bình, trong lành. Đến Đảo Ó - Đồng Trường, du khách có thể tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn như: đạp xe, bơi thuyền, tổ chức dã ngoại, lưu trú qua đêm… Khu du lịch còn có vườn thú, sân golf, cánh đồng hoa “sống ảo”, dịch vụ xe điện khám phá đảo… để du khách thoải mái trải nghiệm.
Hiện tại, ngành Du lịch Đồng Nai tiếp tục rà soát, hoàn thiện giải pháp du lịch thông minh (mydongnai.vn), xây dựng thêm các sản phẩm du lịch thực tế ảo tại Văn miếu Trấn Biên, Làng bưởi Tân Triều, Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, Vườn Quốc gia Cát Tiên, khu du lịch Sơn Tiên để tăng trải nghiệm cho du khách.
Theo bà Lê Thị Ngọc Loan, sự phát triển của du lịch Đồng Nai thời gian qua đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, tuy nhiên còn nhiều tiềm năng chưa được phát huy hiệu quả. Vì vậy, để Đồng Nai trở thành địa phương phát triển du lịch mạnh trong vùng Đông Nam Bộ trong những năm tiếp theo, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo trong công tác phát triển du lịch; phối hợp tốt với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác tiềm năng du lịch hiệu quả, sớm đưa du lịch tỉnh trở thành ngành kinh tế quan trọng như mục tiêu đề ra.