Xây dựng câu chuyện cho sản phẩm – hướng đi mới cho OCOP Đồng Nai

Đồng Nai có 232 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó 3 sao là 186, 4 sao là 46 sản phẩm.

Chú thích ảnh
Cô gái trẻ Lê Thị Cẩm Vân ở TP. Biên Hoà (Đồng Nai) làm nên thương hiệu Nhang sạch sinh học Vân Hương nổi tiếng trong và ngoài nước.

Hơn 6 năm khởi động, Đồng Nai từng có 1 sản phẩm OCOP đạt 5 sao là bột ca cao 3 trong 1 của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán). Tuy nhiên, dù ở hạng "sao" nào, bán được hàng mới là vấn đề cốt lõi. 

Hơn mong đợi!

Năm 2019, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị Chương trình OCOP, với mục tiêu giai đoạn 2019-2020, toàn tỉnh xây dựng được 11 sản phẩm OCOP.

Kết quả, đến cuối năm 2020, có 17 sản phẩm được công nhận. Và từ đó đến nay, số lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng nhanh theo từng năm.

Theo số liệu mới nhất, toàn tỉnh có 232 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 186 sản phẩm đạt 3 sao, 46 sản phẩm đạt 4 sao của 127 chủ thể. Trong các chủ thể đầu tư làm sản phẩm OCOP có 40 chủ thể là doanh nghiệp, còn lại là các cơ sở, HTX và tổ hợp tác.

UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn Đồng Nai đến năm 2025, đặt mục tiêu đạt thêm 88 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, ít nhất 3 sản phẩm đạt OCOP 5 sao.

Tỉnh cũng đề ra nhóm giải pháp để thực hiện, gồm: Tập trung tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng tại địa phương; tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn triển khai về Chương trình OCOP. Đặc biệt, chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu của thị trường.

Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, ông Nguyễn Văn Linh, cho biết, đến nay, huyện đã phát triển được 36 sản phẩm OCOP; đều là các nông sản chủ lực, sản phẩm đặc thù của địa phương. Trong đó, nổi bật nhất là nhóm sản phẩm trái cây tươi có lợi thế xuất khẩu.

Gắn với mục tiêu phấn đấu về đích huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững, thời gian tới, huyện tập trung nâng sao cho các sản phẩm OCOP; qua đó xây dựng được những sản phẩm có thương hiệu, không chỉ tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa, mà còn đẩy mạnh xuất khẩu vào những thị trường khó tính.

Những câu chuyện OCOP

Năm 2009, Công ty TNHH TMSX Thuận Hương được thành lập trên mảnh đất nhỏ thuộc xã Phú Túc (huyện Định Quán, Đồng Nai) để sấy trái cây của bà con trong vùng mang đi bán. Từ quy mô ban đầu với chỉ vài trăm m2 nhà xưởng, nhờ uy tín, chất lượng của sản phẩm, Công ty đã ngày càng nhận được nhiều  đơn đặt hàng trong và ngoài tỉnh. Để đảm bảo lượng hàng cung cấp cho thị trường, đến nay, nhà xưởng của công ty đã mở rộng diện tích lên trên 2.000 m2, trung bình mỗi năm tiêu thụ trên 1.000 tấn nông sản các loại. Công ty cũng là đơn vị đầu tiên ở huyện Định Quán liên kết với bà con nông dân, sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Hương cho biết, sản phẩm khoai môn sấy đạt chuẩn OCOP 3 sao của Công ty được lựa chọn từ những củ khoai môn đạt chuẩn, bảo đảm là nguồn gốc sạch, được sơ chế, quản lý chất lượng chặt chẽ, sau đó kết hợp với kỹ thuật sấy tiên tiến, máy móc hiện đại, nên sản phẩm vẫn giữ được vị thơm ngon béo ngậy của khoai môn, vị rất riêng. Đặc biệt, sản phẩm được sấy hoàn toàn tự nhiên, không thêm gia vị, không chứa chất bảo quản, không Cholesterol, rất tốt cho sức khỏe và phù hợp với mọi người. Sau khi có mặt trên thị trường, hiện sản phẩm đang được phân phối trên 63 tỉnh thành bởi các hệ thống đại lý, siêu thị, các trạm dừng chân. Ngoài ra, sản phẩm còn được tiêu thụ tại một số nước như Malaysia, Úc, Singapore, Trung Quốc…

Chuyện của cô gái trẻ Lê Thị Cẩm Vân ở TP. Biên Hoà (Đồng Nai) lại bắt đầu từ việc dị ứng mùi nhang mà làm nên thương hiệu Nhang sạch sinh học Vân Hương nổi tiếng. Lúc khởi sự, Cẩm Vân bỏ rất nhiều công sức tìm hiểu, nghiên cứu về đặc tính cũng như công dụng của từng loại thảo mộc, để làm ra những cây nhang mà khi đốt lên không những có mùi thơm dễ chịu, mà còn an toàn cho sức khỏe. Cô thu mua vỏ bưởi của những người nấu rượu bưởi, mua lá khuynh diệp, lá sả, ngải cứu, hương bài... ở Cẩm Mỹ, Xuân Lộc để làm bột nhang. 

Trong quá trình nghiên cứu, Cẩm Vân gặp không ít khó khăn từ việc thu mua nguyên liệu, phơi, xay tạo bột và cho ra thành phẩm cây nhang đạt tiêu chuẩn về mặt thẩm mỹ. Sau nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng cũng thành công.

"Ngoài công dụng thờ cúng, sản phẩm còn có tác dụng xông nhà, khử uế, thiền định trong yoga giúp tinh thần sảng khoái, an lạc. Tinh dầu tự nhiên trong khuynh diệp, vỏ bưởi, sả có thể xua đuổi côn trùng đi xa. Nhang cũng khắc phục tình trạng dị ứng mùi hương hóa chất đối với những người mắc bệnh đường hô hấp. Việc nói không với chất thải nhựa, sử dụng bao bì đóng gói hoàn toàn bằng hộp giấy nếu được sử dụng nhiều sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường hiện nay", Cẩm Vân tóm tắt về sản phẩm của mình.

Chú thích ảnh
Số lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Đồng Nai không ngừng tăng nhanh theo từng năm.

Bán câu chuyện sản phẩm

Câu chuyện của Thuận Hương, Nhang sạch Vân Hương chính là câu chuyện sản phẩm OCOP mà các doanh nghiệp dày dặn kinh nghiệm sản xuất kinh doanh chia sẻ với thông điệp: Bán sản phẩm là bán câu chuyện. Một sản phẩm hàng hóa thông thường sẽ được nhân giá trị lên gấp nhiều lần nếu biết đưa những câu chuyện gắn liền với quá trình sản xuất. Đó có thể là những câu chuyện về các giá trị văn hóa đặc trưng hay nét độc đáo riêng về nguồn gốc hình thành, công dụng đặc biệt của sản phẩm, quá trình hình thành và phương châm hoạt động của doanh nghiệp. 

Phó Chủ tịch phụ trách xúc tiến thương mại Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam (chủ đầu tư của hệ thống siêu thị GO - Big C) Paul Le từng chia sẻ, thế mạnh của nông dân Việt Nam là biết trồng ra sản phẩm ngon, an toàn. Điều rất cần làm hiện nay là họ phải xây dựng câu chuyện cho sản phẩm từ vùng đất, cách làm đến tình yêu sản phẩm thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ tin tưởng.

“Tôi luôn nhấn mạnh, xây dựng câu chuyện phải sogn hành với cải tiến hình thức, làm bao bì, đặt tên cho sản phẩm. Thực tế hiện nay, người nông dân chưa quan tâm làm nhãn hiệu, thương hiệu, mà đầu tư cho bao bì rất sơ sài. Điều này không chỉ làm giảm giá trị sản phẩm, mà còn là nguyên nhân khiến nhiều loại nông sản, nhất là trái cây tươi, mất độ tươi ngon, tỷ lệ hư hao cao”.

Muốn tham gia sân chơi OCOP, người nông dân, tổ hợp tác, các HTX cần thay đổi nhận thức về xây dựng câu chuyện sản phẩm. Chăm chút ở khâu sản xuất, quan tâm đầu tư bao bì, mẫu mã, nhãn mác, thương hiệu…cũng chính là tình tiết của câu chuyện sản phẩm OCOP. Giá trị của sản phẩm chính là bán giá trị của câu chuyện này./.

Đồng Nai phát triển kinh tế của hệ sinh thái rừng
Đồng Nai phát triển kinh tế của hệ sinh thái rừng

Đồng Nai là tỉnh có mật độ che phủ rừng lớn nhất khu vực Nam bộ. Những năm qua, địa phương đã hình thành những mô hình phát kinh tế dưới tán rừng, góp phần nâng cao đời sống người dân, Mới đây nhất, UBND tỉnh đã triển khai Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN