Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đồng Nai: Bức tranh đã sáng màu

Kết quả sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch số 110-KH/TU của BCH Đảng bộ tỉnh Đồng Nai về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 cho thấy, bức tranh về ngành nông nghiệp theo hướng CNC đã bắt đầu sáng màu.

Ứng dụng CNC từ trồng trọt đến chăn nuôi

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ đột phá trong thời kỳ 2020 - 2025 của chính quyền Đồng Nai. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 40 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, đến nay số mô hình ứng dụng công nghệ cao đã vượt xa (418 mô hình), cho năng suất gấp 2 - 3 lần so với sản xuất thông thường. Bên cạnh đó, vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ cũng đến 15 vùng, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 8 vùng với tổng diện tích 6.500ha…

Hoạt động dịch vụ nông nghiệp rộng khắp và dần đi vào chiều sâu góp phần mở rộng sản xuất nông nghiệp. Đến nay, 100% diện tích trồng mới và tái canh đã sử dụng các giống mới, giống có chất lượng cao, giống xác nhận; ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây trồng với diện tích 59.754 ha, chiếm 31,27% diện tích cây trồng cạn; 3.002,5 ha cây trồng chủ lực của tỉnh đạt chứng nhận sản xuất nông nghiệp tốt, tăng 12,5 ha so năm 2023; ứng dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc đối với diện tích lúa, chuối, sầu riêng tại huyện Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Tân Phú,…; 100% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, ứng dụng máy thu hoạch đối với bắp cây, bắp lấy hạt và đậu các loại.

Chăn nuôi vẫn là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất nông nghiệp tại Đồng Nai (khoảng 60%) với 2 loại vật nuôi chủ lực là lợn và gà, số lượng đứng nhất, nhì cả nước. Đặc biệt, Đồng Nai đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất và chế biến thịt gà xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng trang trại quy mô lớn, gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện trên địa bàn tỉnh có 125 trang trại và 7 tổ hợp tác (53 hộ thành viên) đã được chứng nhận VietGAP, với sản lượng hàng năm cung cấp ra thị trường tương đương 88,1 ngàn tấn thịt heo (chiếm 18,36% sản lượng thịt heo), 32,2 ngàn tấn thịt gà (chiếm 18,53% sản lượng thịt gà), 283,2 triệu quả trứng (chiếm 22,59% sản lượng trứng gà toàn tỉnh);…

Chăn nuôi trang trại công nghiệp phát triển mạnh là yếu tố rất quan trọng thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển nhanh và bền vững trong thời gian qua. Hiện trên địa bàn có một số doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi với quy mô lớn như: Công ty TNHH chăn nuôi CP Việt Nam; Công ty TNHH JAPPA Việt Nam; Công ty cổ phần GreenFeed - Chi nhánh Cẩm Mỹ; Công ty TNHH Sunjin ViNa; Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Tám Do… 

Chú thích ảnh

Bài toán vốn và ưu đãi từ địa phương

Theo đại diện Bộ NN & PTNT, Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) đã được ban hành từ năm 2010. Thời gian gần đây, phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là chủ đề “hot” của nhiều địa phương, trong đó Đồng Nai là một trong những địa phương đi đầu. 

Tuy nhiên, bài toán về nguồn vốn đầu tư đang là nan đề, bởi lẽ, để phát triển nông nghiệp CNC, trước tiên phải có vốn đầu tư lớn cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, máy móc, công nghệ, đào tạo người lao động, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm… Ước tính, ngoài chi phí vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng, giống, đào tạo người lao động… để xây dựng được một trang trại chăn nuôi quy mô vừa theo mô hình CNC cần khoảng 140-150 tỷ đồng (gấp 4-5 lần so với trang trại chăn nuôi truyền thống); 1 ha nhà kính hoàn chỉnh với hệ thống tưới nước, bón phân có kiểm soát tự động theo công nghệ của Israel cần ít nhất từ 10 tỷ đồng đến 15 tỷ đồng…
Chính vì vậy, chính quyền Đồng Nai đang tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các vùng/ khu nông nghiệp ứng dụng CNC bằng các chính sách đặc biệt.

Đối với các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC được hỗ trợ thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm phục vụ áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao, sản xuất sản phẩm mới thì ức hỗ trợ 50%/công trình/dự án. Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp được hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động (2 triệu đồng/tháng/lao động), hỗ trợ chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh (50%/công trình/dự án), hỗ trợ kinh phí tham gia triển lãm hội chợ trong nước, ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quản lý một trang thông tin điện tử “Chợ nông sản quốc gia” (05 triệu đồng). 

Đối với các dự án nhân giống cây trồng bằng công nghệ nuôi cấy mô được hỗ trợ chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị và xử lý môi trường: 80%/công trình/dự án (không quá 5 tỷ đồng/dự án). Dự án đầu tư các khu, vùng dự án nông nghiệp ứng dụng CNC được hỗ trợ chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị và xử lý môi trường (300 triệu đồng/ha). Dự án sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, trồng thử nghiệm cây trồng mới có giá trị kinh tế cao được hỗ trợ 70% chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị và xử lý môi trường, cây con giống (không quá 3 tỷ đồng/dự án). Cơ sở chế biến nông sản, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm được hỗ trợ 60% chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị (không quá 15 tỷ đồng/dự án)…

Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất, còn gọi là công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Bài và ảnh: Sơn Hùng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN