Làm nông nghiệp tử tế
“Làm nông nghiệp tử tế” là cụm từ của Bộ trưởng Bộ NN &PTNT Lê Minh Hoan khi nói về nông nghiệp hữu cơ- cũng có nghĩa là nông nghiệp xanh, sạch, không hoá chất. Theo Bộ trưởng, nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp thế giới và Việt Nam đang từng bước đi theo con đường đó.
Ngày 5/3/2022, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai và Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, một tập đoàn có kinh nghiệm hơn 20 năm về xây dựng chuỗi nông nghiệp hữu cơ, đã ký kết hợp tác đồng hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, hai bên phối hợp xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ đối với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, ca cao, hồ tiêu, cà phê, hạt điều, sản phẩm dược liệu và lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi heo, tôm hữu cơ, an toàn sinh học… Đây là khởi đầu bài bản cho con đường phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh.
Trong vòng 2 năm, tỉnh Đồng Nai xây dựng 15 vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và bước đầu hình thành hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ, gắn kết các nhà “làm nông nghiệp tử tế” thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ
Đồng Nai nhanh chóng xây dựng các vùng trồng, vùng nuôi đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy mô sản lượng để gắn kết với công nghiệp chế biến trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu. Báo cáo của ngành nông nghiệp cho thấy, trong 9 tháng năm 2024, Đồng Nai được các nước nhập khẩu cấp 18 mã vùng trồng và 7 mã cơ sở đóng gói chuối, sầu riêng đi thị trường Trung Quốc. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 39 vùng trồng nội địa, quy mô 410 ha, 189 mã số vùng trồng xuất khẩu với quy mô gần 28 ngàn ha và 93 cơ sở đóng gói được cấp mã số để phục vụ xuất khẩu đi các thị trường như Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand,…; xây dựng 3 vùng nuôi tại huyện Tân Phú, Long Thánh, Xuân Lộc, đáp ứng điều kiện xuất khẩu, hiện chuỗi sản phẩm gà chế biến của Công ty TNHH Koyu & Unitek xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản khoảng 300 tấn/tháng; hỗ trợ 151 đơn vị sản xuất, chế biến nông sản được cấp nhãn hiệu hàng hóa.
Thừa thắng xông lên
Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Đồng Nai ngày càng được mở rộng. Với 15 hiệp định thương mại tự do đã được Việt Nam ký kết, nhất là CPTPP, EVFTA,... đã tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng nông sản của tỉnh mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng giá trị sản phẩm. Thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm Halal được quan tâm thúc đẩy với nhiều hội nghị, hội thảo, chương trình xúc tiến thương mại, do Bộ Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị liên quan tổ chức.
Ở thị trường nội địa, hoạt động chuỗi nông nghiệp hữu cơ cũng khá sôi nổi. Trong 9 tháng năm 2024, ngành nông nghiệp đã triển khai các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, như: Hỗ trợ 5 chủ thể tham gia trưng bày, bán tại Lễ Hội sâm và Hương liệu, dược liệu Quốc tế TP Hồ Chí Minh; mời doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia “Hội chợ - Triển lãm Giống, Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, lần X – năm 2024”, tham gia các chương trình quảng bá trên nền tảng TikTok, “Chợ Công nghệ - Thiết bị và Thương mại tỉnh Đồng Nai (Techmart DongNai 2024)”, Hội chợ sản phẩm làng nghề và nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 tại huyện Thanh Oai; phối hợp tổ chức thực hiện Hội chợ triển lãm Agri Expo – Đồng Nai năm 2024; triển khai văn bản lựa chọn sản phẩm tham dự chương trình “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”…
Trong Kết luận 3 năm thực hiện nông nghiệp hữu cơ, Tỉnh uỷ Đồng Nai đã khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ, với những cơ sở là Chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đề án phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất an toàn, liên kết sản xuất.