Tỉnh Vĩnh Phúc có gần 40 dân tộc cùng sinh sống; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 55.000 người, chiếm 4,8% dân số, chủ yếu là đồng bào Sán Dìu, Dao, Cao Lan, Tày, Mường, Nùng…
Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm dành nguồn lực chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa; từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương.
Vĩnh Phúc đẩy mạnh lồng ghép thực hiện chính sách dân tộc với chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách; hỗ trợ học phí cho con em người dân tộc; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc có nhu cầu học; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt…
Đến nay, Vĩnh Phúc không còn xã đặc biệt khó khăn; gần 80% vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tham gia bảo hiểm xã hội; 100% các xã miền núi có trạm y tế xã, đa số thôn có cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Hệ thống các thiết chế văn hóa vùng dân tộc thiểu số và miền núi được củng cố và quan tâm đầu tư. 100% các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nhà văn hóa hoặc điểm bưu điện văn hóa. Công tác giáo dục được quan tâm chú trọng, cơ sở vật chất trường lớp học được đầu tư xây dựng, nâng cấp và kiên cố hóa. Hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi giảm nhanh, năm 2011 là 12,47%, đến cuối năm 2022 còn 2,34%.
Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, dân tộc thiểu số; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; hỗ trợ phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, chi phí giống, phân bón…
Đồng thời, tỉnh giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ mê tín, dị đoan, hủ tục lạc hậu...