Ông Tạ Minh Nhựt, Phó Bí thư huyện ủy, Phó Chủ tịch thường trực huyện Phú Quý cho biết, cộng hưởng hiệu quả từ tín dụng chính sách đã đưa thu nhập bình quân đầu người tại huyện năm 2020 đạt 50,542 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với cuối năm 2015 - thời điểm Phú Quý hoàn thành các chỉ tiêu huyện nông thôn mới.
Rà soát cuối năm 2020, toàn huyện có 6.557 hộ dân với dân số trên 27 nghìn người; trong đó hộ nghèo chỉ còn chiếm tỷ lệ 0,5%; hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 2,14% tổng số hộ trên địa bàn. Dư nợ tín dụng chính sách xã hội thực hiện đến nay đạt hơn 136 tỷ đồng với 2.619 hộ đang còn dư nợ; trong đó dư nợ cho vay chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn là 60 tỷ đồng, chiếm 44,1% tổng dư nợ.
Không chỉ có Phú Quý, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã lan tỏa rộng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, tạo nên những bước chuyển mạnh mẽ trong công cuộc giảm nghèo bền vững.
Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận khẳng định, tín dụng chính sách có tác động thiết thực đối với đời sống của nhân dân trong tỉnh, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội địa phương.
Hiện tại, chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tại Bình Thuận đã cho vay 18 chương trình tín dụng chính sách mới cho hơn 596.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn theo chỉ định của Chính phủ và một số chương trình cho vay từ nguồn ngân sách địa phương do UBND tỉnh và cấp huyện ủy thác cho vay.
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 68 nghìn lượt hộ trong tỉnh vượt qua ngưỡng nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm và qua từng thời kỳ; trong đó giai đoạn 2016 - 2020 giảm từ 5,81% xuống còn 1,31%; góp phần hỗ trợ 65/93 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Phú Quý được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Hiện tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 3.000 tỷ đồng với gần 101.000 hộ đang còn dư nợ, gấp 26,3 lần so với đầu năm 2003, với tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 19,1%; trong đó, dư nợ cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt 388 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của chi nhánh chỉ chiếm 0,44% tổng dư nợ cho thấy nguồn vốn đã được sử dụng và quay vòng hiệu quả.
Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu nguồn vốn và dư nợ tín dụng tăng trưởng bình quân hằng năm từ 10% trở lên giai đoạn 2021. Ngân hàng phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ vốn ngân sách tỉnh và huyện ủy thác sang Ngân hàng Chính sách Xã hội so với tổng nguồn vốn ít nhất bằng mức bình quân chung của cả nước theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo kết luận số 841-TB/VPTU ngày 27/9/2019 để đáp ứng nhu cầu vốn cho người nghèo và đối tượng chính sách.
Tính đến 31/3/2021, số dư vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tại Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bình Thuận đạt 108,3 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh bổ sung 46 tỷ đồng và 10/10 huyện, thị xã, thành phố chuyển sang 31 tỷ đồng, trích từ thu lãi và nguồn kết dư từ quỹ dự phòng rủi ro tín dụng nhập bổ sung nguồn 10,6 tỷ đồng.
Ngay từ những tháng đầu năm 2021, tỉnh Bình Thuận đã chuyển 15 tỷ đồng sang Ngân hàng Chính sách Xã hội để ủy thác cho vay. Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Dương Quyết Thắng đánh giá, với một tỉnh ngân sách còn khó khăn, điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong tạo lập nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách tại địa phương.
Tuy nhiên, ông Dương Quyết Thắng cũng thẳng thắn chỉ ra nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm tại Bình Thuận hiện nay còn thấp. Nguyên nhân do nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương dù đã được quan tâm, cân đối nhưng còn khá thấp, chỉ đạt 3,6%, thấp hơn so với mức bình quân chung cả nước hiện nay (8,7%).
“Vì vậy, để hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ngày càng đạt hiệu quả cao hơn nữa, trong thời gian tới, đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục tạo điều kiện cho hoạt động của chi nhánh Bình Thuận, đặc biệt tạo điều kiện tiếp tục chuyển nguồn vốn ủy thác nhiều hơn nữa để cho vay đối tượng chính sách theo chuẩn nghèo địa phương theo chỉ đạo tại Chị thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Các cấp lãnh đạo cũng chỉ đạo các sở, ban ngành địa phương phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ hoạt động tín dụng chính sách nhằm tạo điều kiện cho hộ vay phát triển sản xuất, tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững", ông Dương Quyết Thắng đề nghị.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Dương Quyết Thắng cũng khẳng định với chức năng nhiệm vụ của mình, Ngân hàng Chính sách Xã hội nói chung và chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bình Thuận nói riêng sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội của tỉnh.