Ghi nhận tại huyện biên giới Bù Đốp (Bình Phước), địa bàn có người dân tộc thiểu số chiếm hơn 18%, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự đồng lòng, nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, công tác giảm nghèo đã mang lại hiệu quả tích cực.
Gia đình ông Kim Dương ở ấp 6, xã Hưng Phước là một trong những hộ người dân tộc thiểu số nghèo ở huyện Bù Đốp. Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, thu nhập của các thành viên chủ yếu trông chờ vào đồng lương đi làm thuê, cuốc mướn. Đầu năm 2020, gia đình ông Dương được chính quyền địa phương hỗ trợ xây ngôi nhà trị giá 150 triệu đồng, gia đình góp thêm 70 triệu đồng để căn nhà rộng rãi hơn.
Sau khi nhận ngôi nhà mới khang trang, niềm vui lại đến với gia đình ông khi được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 50 triệu đồng để đầu tư chăm sóc 0,5 ha cao su và 0,3 ha tiêu. Đến nay, thu nhập của gia đình ông Dương đã ổn định, trung bình trên 50 triệu đồng/năm.
Ngoài nguồn vốn phát triển kinh tế, gia đình ông còn được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay nguồn vốn nước sạch vệ sinh môi trường 20 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ trao một cặp bò giống, máy cưa: “Cuộc sống khó khăn về mọi mặt của gia đình tôi nhiều năm trước nay đã không còn. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, các thành viên có nhiều việc làm, gia đình có nhiều nguồn thu hơn và đã thoát nghèo”, ông Dương phấn khởi chia sẻ.
Gia đình ông Mông Văn Quang ở ấp 4 là một trong những hộ gia đình khó khăn của xã Hưng Phước trong nhiều năm liền. Gia đình có 4 khẩu chỉ sống nhờ 0,4 ha điều và đi làm thuê "nay đây, mai đó". Cuối năm 2020, gia đình ông đã thoát nghèo nhờ sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, như: Hỗ trợ xây nhà tình nghĩa trị giá 80 triệu đồng, hỗ trợ kéo điện, điều giống, nông cụ sản xuất... Đặc biệt, cặp bò giống trị giá 40 triệu đồng được hỗ trợ giờ đã có thêm bê con, trước mắt mang lại nguồn phân hữu cơ bón cho cây điều. Nhờ đó, gia đình ông yên tâm sản xuất để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ông Mông Văn Quang chia sẻ: “Được Nhà nước hỗ trợ nhà và một cặp bò, dụng cụ sản xuất, cho vay vốn để chăm sóc điều nên đời sống đã có nhiều đổi thay. Hơn hai năm nay, kinh tế gia đình phát triển ổn định hơn”.
Trước nỗ lực vượt khó, thoát nghèo của người dân địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hưng Phước Đoàn Thị Tấm phấn khởi cho biết, qua quá trình triển khai cũng như kiểm tra giám sát, 100% hộ nghèo sử dụng các nguồn hỗ trợ để phát triển kinh tế hộ. Để có được những kết quả khả quan này, địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động mọi nguồn lực giúp người dân thoát nghèo. Nhiều người dân đã nhận thức, sử dụng hiệu quả nguồn vốn trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Từ nhiều nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, không chỉ gia đình các ông Kim Dương và Mông Văn Quang mà đã có rất nhiều hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Theo thống kê, năm 2016 toàn huyện Bù Đốp có 1.814 hộ nghèo, đến nay chỉ còn 444 hộ nghèo. Năm 2021, toàn huyện phấn đấu giảm 227 hộ nghèo, trong đó giảm 65 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số.
Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bù Đốp Nguyễn Thị Năm cho biết, nhờ sử dụng nguồn vốn hỗ trợ tương đối hiệu quả nên người dân bắt đầu có thu nhập ổn định. Qua đó, đời sống của họ khởi sắc hơn. Huyện Bù Đốp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia của các đoàn thể chính trị xã hội, làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho hộ nghèo, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, huyện thực hiện tốt việc rà soát, nắm bắt nhu cầu của từng hộ nghèo để huy động các nguồn lực hỗ trợ đúng người, đúng mục đích.
Theo chị Năm, với nhiều giải pháp cụ thể, việc hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế đã và đang mang lại hiệu quả bền vững ở Bù Đốp nói riêng và Bình Phước nói chung. Tuy nhiên, ngoài nguồn lực hỗ trợ, người dân cũng cần nâng cao ý thức làm việc, không trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của Nhà nước. Có như vậy, những hộ nghèo mới thoát nghèo bền vững, không tái nghèo.