Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng, với sự tham gia của đông đảo các nhà hoạch định chính sách, đại diện các cơ quan chuyên ngành đến từ các nước ASEAN, Trung Quốc, đại diện Ban Thư ký ASEAN và các chuyên gia của các tổ chức Liên hợp quốc, quốc tế và khu vực, cùng với diễn giả, doanh nghiệp có sáng kiến và đổi mới, hội nghị sẽ là dịp chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận để đưa ra những đề xuất về chính sách. Trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia cần tận dụng lợi thế của công nghệ, sáng tạo nhằm ứng phó hiệu quả với vấn đề đói nghèo, bất bình đẳng, đồng thời vượt qua các thách thức nhằm đạt được các Mục tiêu trong Chương trình nghị sự Phát triển Bền vững Liên hợp quốc đến năm 2030 và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường cho biết: Xây dựng một cộng đồng hài hòa, bền vững, định hướng người dân, lấy người dân làm trung tâm và không bỏ lại ai phía sau, luôn là ưu tiên hàng đầu của ASEAN. Ưu tiên này được ASEAN khẳng định trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và cụ thể hóa trong Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa-Xã hội giai đoạn 2009-2015, trong đó chú trọng mục tiêu bảo đảm phát triển an sinh xã hội, môi trường bền vững và cân bằng, tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tiêu dùng, sản xuất bền vững, xử lý các thách thức ảnh hưởng tới sức khỏe con người, tăng cường bảo trợ xã hội cho nhóm yếu thế, củng cố mạng lưới an sinh xã hội. Đến nay, ASEAN đã đạt được thành công đáng kể trong giảm nghèo cùng nhiều tiến bộ quan trọng trong thực hiện mục tiêu SDG số 4 về giáo dục chất lượng và mục tiêu SDG số 3 về y tế và sức khỏe...
Bên cạnh hợp tác nội khối, ASEAN rất chú trọng hợp tác với các đối tác, trong đó có việc tăng cường tương hỗ giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững 2030. ASEAN và Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á-Thái Bình Dương Liên hợp quốc (UNESCAP) đã trao đổi và triển khai thành công bước đầu các nhiệm vụ đề ra, trong đó có việc chuẩn bị thành lập Trung tâm ASEAN về Đối thoại và Nghiên cứu Phát triển bền vững tại Bangkok, Thái Lan trong năm 2019 và dự thảo Lộ trình Tương hỗ trên cơ sở 5 lĩnh vực ưu tiên, gồm: Xóa đói giảm nghèo, cơ sở hạ tầng và kết nối, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, tiêu dùng và sản xuất bền vững, và tự cường. Chủ đề ASEAN năm 2019 “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững” đã tái khẳng định quyết tâm của ASEAN thúc đẩy tính bền vững trong cả ba trụ cột Cộng đồng, đồng thời có ý nghĩa bổ sung và hướng tới thực hiện thành công SDGs 2030.
Nhấn mạnh vai trò của đổi mới, sáng tạo là vô cùng quan trọng nhằm đạt được phát triển bền vững và xóa nghèo, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN Kung Phoak cho rằng, sáng tạo, đổi mới vượt ra ngoài khuôn khổ của khoa học, công nghệ, đòi hỏi một cách làm việc mới và cải tiến cho dù trong lĩnh vực chính sách, hợp tác hay thay đổi thể chế. Các bên phải đảm bảo xây dựng được “sự sẵn sàng đổi mới", thúc đẩy đổi mới có tính chất bao trùm và không gây chia rẽ. Các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 có những điểm có thể bổ sung cho nhau. Như vậy, những nỗ lực để đạt được các mục tiêu SDGs cũng chính là để đạt được Chương trình nghị sự ASEAN. Đổi mới toàn diện, bao trùm là không thể thiếu nếu các bên muốn thực hiện được Tầm nhìn ASEAN và các mục tiêu SDGs vì quyền lợi của tất cả người dân.
Các đại biểu tham dự đã chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và các điển hình tốt về đổi mới sáng tạo để vượt lên nghèo đói, đổi mới chính sách và quan hệ đối tác cũng như khoa học, kỹ thuật hướng tới những chiến lược thực tiễn nhằm khai thác và tăng cường vai trò của đổi mới, sáng tạo với phát triển.