Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng cho biết, tổng dư nợ tín dụng chính sách đến hết năm 2020 đạt 226.197 tỷ đồng, tăng 19.391 tỷ đồng (tăng 9,4%) so với cuối năm 2019; trong đó dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 194.405 tỷ đồng, tăng 14.400 tỷ đồng (tăng 8%) so với cuối năm 2019, hoàn thành 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Năm 2020, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 361.000 lao động, giúp hơn 5.200 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 44.600 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giúp 207 doanh nghiệp vay vốn để trả lương cho hơn 8.500 người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Nguồn vốn góp phần xây dựng trên 1,3 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng trên 17.300 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; gần 6.200 căn nhà ở xã hội…
Trong năm 2020, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng đã tăng cường huy động nguồn vốn và tập trung thực hiện tốt kế hoạch tăng trưởng dư nợ. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến 31/12/2020 đạt 233.426 tỷ đồng, tăng 21.532 tỷ đồng so với năm 2019; trong đó, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 20.315 tỷ đồng, tăng 4.882 tỷ đồng so với năm 2019.
Điển hình một số địa phương đạt mức tăng cao như: Thành phố Hà Nội tăng 1.154 tỷ đồng, Tp. Hồ Chí Minh tăng 854 tỷ đồng, Tp. Nẵng tăng 368 tỷ đồng, Bình Dương tăng 263 tỷ đồng. Các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Định, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc tăng 111 tỷ đồng đến 175 tỷ đồng.
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, trong bối cảnh năm 2021 diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, Ngân hàng Chính sách Xã hội xác định luôn đồng hành, sẵn sàng đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách vượt khó trong đại dịch.
Bên cạnh đó, để hoàn thành nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2021, Ngân hàng Chính sách Xã hội tiếp tục huy động các nguồn vốn; trong đó, đẩy mạnh việc nhận vốn ủy thác từ ngân sách các địa phương, huy động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân trên thị trường, làm tốt thu hồi nợ đến hạn... nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn giải ngân các chương trình tín dụng chính sách, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao và đảm bảo khả năng thanh khoản của toàn hệ thống.