Chiều 31/12, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2020 của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ kiêm Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Dương Tấn Hiển nhận định, hoạt động tín dụng chính sách của ngân hàng trong năm vừa qua góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hơn 11.600 lượt hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có vốn để sản xuất kinh doanh; giải quyết việc làm cho gần 3.200 lao động; giúp 931 học sinh, sinh viên mới có vốn để trang trải chi phí học tập; xây dựng và sửa chữa khoảng 140 nhà ở xã hội và cải tạo khoảng 17.500 công trình nước sạch và vệ sinh...
Phó Chủ tịch Dương Tấn Hiển đề nghị, để phát huy kết quả đạt được cũng như hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu hoạt động tín dụng chính sách của thành phố trong năm 2021, các sở ngành, quận huyện tiếp tục tham mưu tốt cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội, trọng tâm là nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của ngân hàng chính sách xã hội.
Nguồn vốn đầu tư cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn cần phải có định hướng bền vững, theo đó cần rà soát, tổng hợp, xây dựng kế hoạch tín dụng từng chương trình đảm bảo phù hợp, sát với nhu cầu thực tế của từng đối tượng thụ hưởng; từ đó, đề nghị Trung ương, địa phương phân bổ vốn để cho vay kịp thời, không để đối tượng đủ điều kiện và có nhu cầu chính đáng bị bỏ sót, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Bên cạnh đó, các Hội đoàn thể nhận ủy thác cần phối hợp cùng với chính quyền địa phương, các ngành chuyên môn thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, kết hợp đào tạo nghề, xây dựng các mô hình - dự án làm ăn hiệu quả, từ đó phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách.
Về phía các Ủy ban nhân dân cấp xã, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hành chính sách xã hội thực hiện giao dịch tại xã vào ngày giao dịch; bố trí nơi giao dịch, công khai các chương trình tín dụng chính sách cho người dân biết. Đặc biệt cần thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, bố trí lực lượng công an hỗ trợ và đảm bảo an toàn khi giao dịch.
Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ Lăng Chánh Huệ Thảo cho biết, trong năm 2020, các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Cần Thơ đều đạt và vượt so với chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Chi nhánh đã tích cực huy động vốn đầu tư các tổ chức, cá nhân trên thị trường, nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương, cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Theo số liệu của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Cần Thơ, năm 2020 nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tăng 50,8 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2019, hoàn thành 127% chỉ tiêu giao. Việc huy động vốn của tổ chức, cá nhân tăng 61,6 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2019, hoàn thành 103% chỉ tiêu giao.
Bên cạnh đó, tổng dư nợ của 16 chương trình tín dụng chính sách đạt khoảng 2.781 tỷ đồng, tăng 232 tỷ đồng, nhiều hơn 9,09% so với cùng kỳ năm 2019 với gần 91.000 khách hàng còn dư nợ; chất lượng tín dụng được duy trì, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh còn 8,8 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,32%/ tổng dư nợ.