Tuyên Quang: Thêm những cánh rừng đạt chứng chỉ FSC

Sau 7 năm triển khai thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, đến nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có trên 43.878 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Việc thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người trồng rừng, doanh nghiệp thu mua mà còn giúp bảo vệ môi trường.

Chú thích ảnh
Ông Ma Trung Định, Thôn Cả, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, chăm sóc diện tích rừng FSC của gia đình nhận khoán. 

Nhận thấy lợi ích từ  thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, năm 2016, gia đình ông Ma Trung Định, trú tại thôn Cả, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ 6 ha rừng theo tiêu chuẩn FSC từ Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Qua quá trình trồng và chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn FSC, ông Định nhận thấy việc thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng mang lại nhiều lợi ích cho người trồng rừng cũng như cho môi trường.
 
Theo ông Định, mỗi ha rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC mang lại thu nhập cao hơn từ 15 - 20% so với trồng rừng thông thường và sức khỏe của người trồng rừng cũng được đảm bảo vì không phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật  có nguồn gốc hóa học.
 
Ông Ma Trung Định chia sẻ, trước đây, do trồng rừng tự do không chú ý đến chất lượng cây giống, kỹ thuật chăm sóc, nên năng suất thấp, giá bán cũng không ổn định, thường xuyên bị thương lái ép giá. Từ năm 2016, sau khi đăng ký trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, 6 ha rừng của gia đình ông đã được quản lý chặt chẽ, chăm sóc theo đúng kỹ thuật nên cây nhanh lớn.

Mỗi ha rừng trồng thông thường sau khi thu hoạch có giá trị từ 100 - 120 triệu đồng, trong khi mỗi ha rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC có giá trị từ 135 - 140 triệu đồng. Nhờ trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, kinh tế gia đình ông Định được ổn định hơn.

Chú thích ảnh
Khu rừng trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn FSC của gia đình ông Ma Trung Định, Thôn Cả, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, đã được 5 năm tuổi. 

Thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC, năm 2016, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng hồ sơ và đề nghị cấp chứng chỉ rừng bền vững cho hơn 2.480 ha rừng. Đến 2021, công ty tiếp tục xây dựng hồ sơ và đề nghị cấp chứng chỉ rừng bền vững cho hơn 800 ha. Hiện nay, công ty đã có hơn 3.244 ha rừng được cấp chứng chỉ.
 
Sau khi được cấp chứng chỉ rừng bền vững, công ty thường xuyên cử cán bộ hướng dẫn công nhân trong đơn vị, các hộ dân nhận khoán trồng rừng liên doanh, liên kết với công ty thực hiện đúng theo bộ tiêu chuẩn FSC đã quy định và được người dân cũng như cán bộ, công nhân tích cực hưởng ứng tham gia.

Theo ông Lý Văn Đông, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật (Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), sau khi thực hiện trồng rừng liên doanh với công ty theo tiêu chuẩn FSC thì thu nhập của người dân đã được nâng lên bởi gỗ trồng theo tiêu chuẩn FSC có giá cao hơn so với gỗ rừng trồng thông thường và chi phí sản xuất cũng ít hơn. Không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC còn giúp người dân thay đổi nhận thức để phát triển rừng theo hướng bền vững.
 
Theo tiêu chuẩn FSC, khi xử lý thực bì người dân cần phải trực tiếp làm cỏ, phát vén thực bì. Đổi lại sau khoảng 1 - 2 năm lớp thực bì đó sẽ hoai mục, tạo độ tơi, xốp cho đất nên cây sẽ sinh trưởng phát triển nhanh hơn. Việc sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật  phải có nguồn gốc sinh học, không sử dụng thuốc có nguồn gốc hóa học; rác thải nhựa sau khi sử dụng được thu gom đảm bảo tiêu chuẩn xanh - sạch - an toàn để bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.

Chú thích ảnh
Cán bộ Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, kiểm tra quy trình trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. 

Xác định quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng là một trong những giải pháp quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp nên từ năm 2015, tỉnh Tuyên Quang bắt đầu thí điểm xây dựng chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản trị rừng thế giới FSC. Việc thu hút các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ các nhóm hộ đang được ngành Nông nghiệp và các địa phương tích cực thực hiện, để ngoài việc đồng hành về mặt kỹ thuật, nhóm hộ sẽ nhận được sự hỗ trợ về kinh tế để thực hiện việc mời chuyên gia đánh giá.
 
Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết, từ năm 2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã tham mưu UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố và các doanh nghiệp, chủ rừng thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng; triển khai, hướng dẫn các huyện, thành phố thành lập các Ban chứng chỉ rừng cấp huyện, Ban chứng chỉ rừng cấp xã và các nhóm hộ trồng rừng để thực hiện các hoạt động cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Sau 7 năm triển khai thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có trên 43.878 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; trong đó, diện tích rừng được cấp chứng chỉ do các công ty lâm nghiệp quản lý là hơn 16.461ha, các nhóm hộ quản lý trên 27.417 ha; kế hoạch năm 2023 tỉnh Tuyên Quang có thêm khoảng 11.382 ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Chú thích ảnh
Những cánh rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC ở xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. 

Tỉnh Tuyên Quang có gần 450.000 ha đất lâm nghiệp, chiếm 76% diện tích tự nhiên, diện tích rừng hiện có trên 426.042,45 ha; trong đó diện tích rừng trồng trên 192.871 ha. Để kinh tế lâm nghiệp của tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, đưa Tuyên Quang trở thành một trong những tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững, Nghị quyết 36-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu giải pháp cụ thể. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh phấn đấu phát triển diện tích rừng gỗ lớn đạt trên 89.000 ha; quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo quy định trên 90.000 ha rừng sản xuất; sản lượng gỗ khai thác đạt trên 5,5 triệu m3…

Bài và ảnh: Quang Cường (TTXVN)
Đề xuất xử lý sai phạm tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa
Đề xuất xử lý sai phạm tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai vừa có Tờ trình số 2832/SNNPTNT-TTr gửi UBND tỉnh về việc đề xuất xử lý sai phạm trong trồng rừng, sử dụng kinh phí tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN