Đề xuất xử lý sai phạm tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai vừa có Tờ trình số 2832/SNNPTNT-TTr gửi UBND tỉnh về việc đề xuất xử lý sai phạm trong trồng rừng, sử dụng kinh phí tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai đề xuất, đối với diện tích rừng trồng năm 2019 bị mất 10,36 ha nhưng hiện trạng vẫn còn tỷ lệ cây sống đạt 83%. Vì vậy, đối với diện tích trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa có trách nhiệm tiếp tục chăm sóc, quản lý bảo vệ đến khi đạt tiêu chí thành rừng.

Đối với các sai sót trong việc nghiệm thu chăm sóc, báo cáo hiện trạng, cung cấp hồ sơ để đoàn giám sát khẳng định 10,36 ha rừng trồng vào năm 2019 bị chết, trách nhiệm thuộc về ông Nguyễn Trọng Khải, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa, vì báo cáo không trung thực đối với hiện trạng thực tế.

Đối với diện tích 33,1 ha rừng trồng năm 2020, theo kết quả kiểm tra thực tế của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mật độ cây còn 10%, yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa tiếp tục thực hiện chăm sóc, trồng dặm, quản lý bảo vệ theo đúng quy định.

Đối với rừng trồng năm 2020, khi thực hiện trồng, chăm sóc trải qua các lãnh đạo quản lý khác nhau (gồm: ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa từ tháng 8/2018 đến tháng 5/2020; ông Vũ Anh Văn, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa từ tháng 5/2020 đến tháng 7/2021; ông Nguyễn Trọng Khải, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa từ tháng 7/2021 đến nay) việc bàn giao giữa các lãnh đạo còn nhiều thiếu sót trong hồ sơ quản lý, bàn giao thực địa, chưa làm tròn trách nhiệm của mỗi cá nhân qua từng thời gian cụ thể; khó khăn trong việc xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến từng giai đoạn quản lý.

Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai sẽ thành lập đoàn thanh tra đột xuất, tiến hành thanh tra việc sử dụng nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng năm 2020 tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa để có kết luận các sai phạm về hành chính, tài chính, tài sản cụ thể. Các báo cáo này sẽ được sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ báo cáo kết quả thanh tra về UBND tỉnh Gia Lai trước ngày 10/9/2022.

Cùng với đó, các vấn đề về thẩm quyền trình, thẩm định, phê duyệt dự án trồng rừng từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng qua từng năm và cả chu kỳ trồng rừng; việc lập kế hoạch, giao vốn, triển khai kế hoạch trồng rừng, các thủ tục đấu thầu, hợp đồng triển khai, quyết toán, giám sát, chỉ đạo thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Luật Lâm nghiệp, Luật Đầu tư công còn nhiều quy định khác nhau cần xác định và kết luận rõ. Do vậy, đoàn thanh tra đột xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ củng cố hồ sơ, kiểm tra thực địa và kết luận đề xuất UBND tỉnh Gia Lai xử lý đúng quy định của pháp luật trước ngày 10/9/2022.

Trước đó, ngày 19/5, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai đã có văn bản số 41/TB-KTGS thông báo về kết quản kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện một số hoạt động sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng 2 năm 2020-2021 tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa.

Theo đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai đã phát hiện nhiều sai phạm tại đơn vị này như: không thực hiện đấu thầu theo Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ; để mất rừng; tạm ứng bằng tiền mặt cho đơn vị trồng rừng không đúng quy định; Ban Quản lý đã tự thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế dự toán hợp đồng trồng và chăm sóc rừng khi chưa có sự chấp thuận của cơ quan cấp trên…; gây thiệt hại tiền ngân sách hơn 1,3 tỷ đồng. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cũng đã kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể có liên quan và số tiền sai phạm nói trên để đơn vị báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/6/2022.

Tin, ảnh: Hồng Điệp (TTXVN)
Phú Yên khảo sát trồng rừng ven biển
Phú Yên khảo sát trồng rừng ven biển

Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Huế) cùng Công ty UNIQUE (Cộng hòa Liên bang Đức) phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) khảo sát việc thực hiện Dự án “Trồng rừng trên vùng đất cát ở miền Trung Việt Nam”. Dự án với mục tiêu ban đầu là trồng khoảng 100 ha tại khu vực rừng phòng hộ ven biển ở thị xã Sông Cầu, sau đó nhân rộng ra khắp các tỉnh miền Trung của Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN