Hàng trăm hecta được phê duyệt trồng rừng thay thế này lại nằm trong quy hoạch đất năng lượng (đất bán ngập lòng hồ thủy điện), chưa chuyển sang đất rừng phòng hộ để quản lý sử dụng theo quy định của Luật Lâm nghiệp.
Giai đoạn 2016-2021, chủ đầu tư các dự án Nhà máy thủy điện Bình Điền, Hương Điền, A Lưới đã tự tổ chức trồng, chăm sóc hơn 267 ha rừng thay thế trên diện tích đất bán ngập lòng hồ, theo hồ sơ thiết kế và dự toán được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt. Loài cây được lựa chọn trồng là cây gáo và tràm úc. Tuy nhiên, báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá gần đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế cho thấy, tổng diện tích có cây trồng là hơn 28/267 hecta, trong đó diện tích đạt tiêu chí rừng trồng là hơn 8 hecta, còn lại là diện tích không có cây trồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế đánh giá tiêu chí rừng trồng theo diện tích liền vùng từ 0,3 hecta trở lên; chiều cao trung bình của cây rừng trên đất ngập nước ngọt từ 2m trở lên.
Cụ thể, Công ty cổ phần thủy điện miền Trung (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện A Lưới) có diện tích thiết kế được phê duyệt là hơn 75 hecta; kết quả kiểm tra hiện trường diện tích có cây trồng chỉ là 6,7 hecta, trong đó diện tích đạt tiêu chí rừng trồng là trên 6 hecta. Công ty cổ phần Thủy điện Hương Điền có hơn 57 hecta diện tích thiết kế được phê duyệt trồng rừng thay thế; kết quả kiểm tra chỉ có hơn 4 hecta có cây trồng, không có diện tích đạt tiêu chí rừng trồng. Công ty cổ phần Thủy điện Bình Điền có diện tích thiết kế được phê duyệt trồng trừng thay thế là hơn 134 hecta; kết quả kiểm tra hiện trường diện tích có cây trồng là hơn 17 hecta, trong đó diện tích đạt tiêu chí rừng trồng là hơn 1 hecta.
Ông Võ Văn Dự, Chủ tịch Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, với diện tích được phê duyệt trồng rừng thay thế lớn như vậy, nhưng qua 6 năm trồng và chăm sóc, tỷ lệ đạt tiêu chí rừng trồng chỉ chiếm gần 3% (8/267 hecta), qua đó có thể thấy dự án trồng rừng này đã thất bại. Theo ông Dự, cây gáo và cây tràm úc có thể trồng ở vùng đất bán ngập, tuy nhiên nếu bị ngập trong nước thời gian dài cây sẽ bị chết, nhất là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu hiện nay gây nên tình trạng mưa lũ ngày càng khốc liệt. Do vậy, việc trồng những cây này phải làm thí điểm trồng từ vị trí cao xuống mực nước dao động cho phép. Về nguyên tắc, trồng rừng thay thế được thực hiện trước hết trên diện tích đất quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, sau đó mới đến rừng sản xuất.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện quỹ đất dành cho trồng rừng thay thế của địa phương vẫn còn rất nhiều, khoảng 1.600 ha nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tuy nhiên, trước đó tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn phê duyệt trồng rừng thay thế trên diện tích quy hoạch đất năng lượng.
Điều đáng nói, trong suốt thời gian triển khai trồng rừng thay thế của các chủ đầu tư dự án thủy điện, việc giám sát, đánh giá của các cơ quan liên quan của tỉnh Thừa Thiên – Huế không được thực hiện thường xuyên mà đợi xong chu kỳ trồng rừng mới đánh giá. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu đợi 6 năm mới có đánh giá, chủ đầu tư có thể đối phó, trì hoãn không thực hiện nộp tiền về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên - Huế để trồng rừng thay thế theo quy định.
Cần nhìn lại việc sử dụng đất bán ngập để trồng rừng thay thế
Lý do được các chủ đầu tư nhà máy thủy điện đưa ra về kết quả trồng rừng không đạt hiệu quả là cây trồng bị trâu bò phá hoại, người dân địa phương chặt phá cây để lấy đất canh tác hoa màu do không có đất sản xuất, cây trồng bị chết do ngập sâu trong nước…
Thực tế trên cho thấy, việc trồng rừng thay thế trên diện tích quy hoạch đất năng lượng chưa chuyển đổi không những làm sai quy định của Luật Lâm nghiệp, mà còn gây ra những “xung đột” lợi ích với người dân địa phương, những người đã phải di dời nhà cửa, đất sản xuất màu mỡ để nhường đất cho các dự án thủy điện.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên – Huế Hồ Xuân Trăng cho rằng, diện tích đất bán ngập quanh lòng hồ thủy điện do các chủ đầu tư quản lý vì đã đền bù, hỗ trợ người dân theo quy định. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và các chủ đầu tư thủy điện có thể phối hợp chọn những vị trí phù hợp, tạo điều kiện cho người dân đang thiếu đất sản xuất được canh tác các loại cây hoa màu ngắn ngày trên diện tích này vào mùa nước cạn, thay vì trồng rừng thay thế tại đây.
Chủ tịch Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên – Huế Võ Văn Dự cho biết: Thông tư số 03/2012/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường “Quy định việc quản lý, sử dụng đất vùng bán ngập lòng hồ thủy điện, thủy lợi” đã nêu rất rõ về đối tượng giao, nhận khoán đất vùng bán ngập, trong đó ưu tiên hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất sản xuất nông, lâm nghiệp sử dụng vào mục đích thủy điện, thủy lợi. Trong bối cảnh thiếu đất sản xuất của người dân ở khu vực miền núi hiện nay, việc bố trí giao khoán đất vùng bán ngập lòng hồ cho người dân có ý nghĩa lớn trong việc bảo đảm an ninh xã hội, ổn định đời sống của đồng bào tại những khu vực có dự án thủy điện.
Tuy nhiên mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế lại tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đối với những diện tích đất có cao trình từ 53 - 58m tại Thủy điện Hương Điền và từ 83 – 86m tại Thủy điện Bình Điền và toàn bộ diện tích vùng bán ngập ở Thủy điện A Lưới xem xét chuyển từ quy hoạch đất năng lượng sang đất rừng phòng hộ khi thực hiện quy hoạch lâm nghiệp thời kỳ tới.