Theo kế hoạch, năm 2021, Ninh Thuận sẽ trồng mới gần 495 ha rừng, trong đó trồng 205 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng theo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững và trồng rừng thay thế, khắc phục hiện trạng với trên 289,4 ha. Cùng với đó, các đơn vị chủ rừng kết hợp chăm sóc rừng trồng giai đoạn từ năm thứ 2 đến năm thứ 4 với trên 1.688 ha.
Ông Hồ Sỹ Trung, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận cho biết, tám đơn vị chủ rừng trên địa bàn đã triển khai gieo tạo và mua cây giống (trên 1,4 triệu cây) gồm các loại như điều, trôm, keo lai, bạch đàn, xà cừ, thanh thất... để phục vụ công tác trồng rừng, trồng cây phân tán nhằm chắn gió, cát, phòng hộ môi trường và đặc biệt giữ nguồn nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Nhờ chủ động thời gian gieo ươm, tích cực chăm sóc, cây giống tại các vườn ươm đều phát triển tốt, đảm bảo tiêu chuẩn trồng rừng theo quy định. Để công tác trồng rừng đạt hiệu quả, hàng tuần, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cử lực lượng phối hợp với các đơn vị chủ rừng kiểm tra quy trình trồng rừng, hướng dẫn đơn vị, cá nhân tranh thủ trồng vào ngày râm mát, có mưa, không trồng vào ngày nắng nóng nhằm đảm bảo tỷ lệ cây sống cao.
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời tiết không được thuận lợi, lượng mưa tại một số địa phương thấp, mưa cục bộ, không rải đều, tiến độ trồng rừng bị ảnh hưởng. Tính đến cuối tháng 9, các đơn vị chủ rừng đã trồng mới được 360,42 ha, đạt 73% kế hoạch. Hiện nay, một số địa phương trong tỉnh đã có mưa tập trung, tranh thủ khoảng “thời gian vàng” này các đơn vị chủ rừng cùng người dân đang đẩy nhanh tiến độ trồng 134 ha rừng còn lại để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ông Lê Minh Hiền, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tân Giang cho biết, tranh thủ mùa mưa, đơn vị đẩy nhanh tiến độ trồng rừng mới và trồng dặm; đến nay đã trồng được 50 ha rừng phòng hộ, 3 ha rừng thay thế, đạt 100% kế hoạch. Cùng với đó, đơn vị khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng có trồng bổ sung 410 ha. Lực lượng chức năng đang tổ chức phát thực bì, cuốc hố được 100 ha, dự kiến hoàn tất công việc trong tháng 11/2021.
"Trong mùa trồng rừng năm nay, đơn vị đã thuê lao động thời vụ để triển khai các công đoạn trồng, chăm sóc rừng, qua đó góp phần giải quyết, tạo việc làm cho hơn 560 lao động địa phương trong bối cảnh dịch COVID-19. Để đảm bảo an toàn, việc trồng rừng được chia thành nhiều tốp nhằm hạn chế tập trung đông người", ông Lê Minh Hiền chia sẻ thêm.
Toàn tỉnh hiện có trên 201.071 ha rừng và đất quy hoạch phát triển rừng. Theo đánh giá của ngành chức năng, tỉnh luôn chú trọng công tác trồng rừng, bảo vệ rừng. Nhờ đó, chất lượng rừng được cải thiện, nhiều diện tích rừng nghèo kiệt được phục hồi, độ che phủ rừng được nâng cao. Tỷ lệ che phủ rừng của Ninh Thuận đến cuối năm 2020 là 45,66%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Ninh Thuận gặp nhiều khó khăn, thách thức do hạn chế về tài chính và các chính sách có liên quan, định mức giao khoán bảo vệ rừng còn thấp, kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu vừa tổ chức tuần tra bảo vệ rừng vừa trích lại để đầu tư sinh kế. Ngoài ra, khí hậu của Ninh Thuận khô nóng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phòng, chống cháy rừng và tiến độ trồng rừng...
Thời gian tới, Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác trồng rừng và bảo vệ rừng tới các tầng lớp nhân dân. Tỉnh đẩy mạnh triển khai các chương trình trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng thay thế; nhân rộng mô hình sinh kế hiệu quả dưới tán rừng để phát triển kinh tế bền vững.
Để nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng, tỉnh tăng cường phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng giữa các lực lượng, đặc biệt là sự phối hợp giữa lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, lực lượng vũ trang, chính quyền địa phương và các cộng đồng dân cư sống ven rừng tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ và trồng rừng, Ninh Thuận phấn đấu năm 2021 nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 46,96%.