Trong hai năm (2022-2023), thành phố Pleiku có 28 hộ được hỗ trợ nhà ở, 7 hộ được hỗ trợ đất ở, 25 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, 52 hộ được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, 56 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện nay, việc hỗ trợ đất ở và đất sản xuất không thực hiện được do các địa phương không có quỹ đất và số tiền hỗ trợ thấp, không đủ để nhận chuyển nhượng đất ở, đất sản xuất.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ xây dựng nhà ở có tỷ lệ giải ngân đạt thấp do một số hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc có giấy tờ đất là đất trồng cây lâu năm, không có tiền thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất; một số trường hợp không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không đủ điều kiện tách thửa; chưa đủ cơ sở pháp lý thực hiện, thời gian hoàn thiện thủ tục giấy tờ kéo dài, dẫn đến chậm tiến độ.
Đơn cử như tại xã Gào (TP. Pleiku), thực hiện Dự án 1, năm 2022 và 2023, xã có 9 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, 7 hộ được hỗ trợ đất ở, 5 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở và 1 hộ được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề. Tuy nhiên, sau khi rà soát, xã không thể thực hiện việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất do không có quỹ đất để bố trí; trường hợp các hộ có nhu cầu tự nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì mức hỗ trợ thấp nên không đủ khả năng tài chính. Riêng đối với nội dung hỗ trợ xây dựng nhà ở, một số hộ có hoàn cảnh khó khăn nên khó xoay xở về nguồn đối ứng.
Cũng như xã Gào, xã Ia Kênh cũng có 7 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Để hoàn thành căn nhà, mỗi hộ tốn khoảng 2-3 triệu đồng làm thủ tục giấy phép xây dựng, hóa đơn thanh toán mua vật liệu. Ngoài ra, hộ xây nhà bắt buộc phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng qua rà soát, có 2 hộ đang sử dụng đất nông nghiệp, khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất phí rất cao, người dân không có khả năng chi trả.
Theo đại diện ngành chức năng, việc triển khai Dự án 1 gặp khó khăn chủ yếu ở nội dung hỗ trợ nhà ở, đất ở và đất sản xuất. Nguyên nhân là nguồn thu từ sử dụng đất của tỉnh bị hụt, nên nguồn vốn hỗ trợ của địa phương bị chậm. Bên cạnh đó, do cuộc sống khó khăn, nên khả năng đối ứng của người dân bị hạn chế. Trong đó, khó khăn nhất là việc hỗ trợ đất sản xuất, vì hầu như các địa phương không còn quỹ đất để hỗ trợ.
Còn đối với việc hỗ trợ đất ở, vì mức hỗ trợ của trung ương thấp so với giá cả thị trường, một số địa phương đã tuyên truyền, vận động người thân của hộ nghèo chuyển nhượng đất với giá rẻ, nhưng lại vướng ở chỗ, đa số các hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để sang nhượng và nhiều hộ không có tiền để làm trích lục đo đạc nhằm sang nhượng đất đai.