TP Hồ Chí Minh chăm lo sự nghiệp giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Triển khai Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới và Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Thành phố có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện học tập cũng như triển khai quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số…

Xác định tầm quan trọng của công tác giáo dục - đào tạo nghề, nâng cao trình độ học vấn cho đồng bào dân tộc trong thực hiện mục tiêu nâng cao trình độ dân trí, cải thiện đời sống kinh tế-xã hội và gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, TP Hồ Chí Minh có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện học tập cũng như triển khai quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc, dần đưa đồng bào dân tộc trở thành một lực lượng lao động có đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển Thành phố. 

Chú thích ảnh
Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải trao tượng trưng kinh phí hỗ trợ
học tập cho học sinh người Hoa có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN.

Bằng nhiều biện pháp đồng bộ, với sự hỗ trợ của chính quyền, các tổ chức xã hội đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường và vượt khó, vươn lên đạt thành tích cao trong học tập. Đặc biệt, có nhiều thanh niên dân tộc Hoa, Chăm, Khmer đã vượt khó để trở thành Thạc sĩ, Tiến sĩ.

Theo Ban Dân tộc Thành phố, chỉ riêng trong năm học 2021- 2022, đã có hơn 3.000 học sinh người Chăm và Khmer (không tính cấp Tiểu học và chưa tính số liệu Trung học Phổ thông) được miễn học phí với tổng số tiền 2 tỷ đồng; hỗ trợ 20 giáo viên người dân tộc thiểu số dạy tiếng dân tộc với tổng số tiền hơn 440 triệu đồng. Thành phố còn triển khai các chính sách hỗ trợ kinh phí học tập cho học viên Cao học, nghiên cứu sinh là người dân tộc thiểu số, hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. 

TS Phú Văn Hẳn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ, cho rằng, tạo điều kiện hỗ trợ học tập cho con em đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những chủ trương và chính sách có những đóng góp rất tích cực, rõ ràng trên thực tế đối với đồng bào dân tộc. Chính sách này nên tiếp tục được triển khai và mở rộng, nâng cao hơn, như là có chính sách cụ thể đối với con em dân tộc thiểu số có nhu cầu học nghề phù hợp; hỗ trợ nhiều hơn cho các sinh viên người dân tộc thiểu số học đại học và sau đại học. Từ đó sẽ tạo ra nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số chất lượng cao, có tri thức và là tấm gương khuyến khích cho sự phấn đấu của con em đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và vị thế của đồng bào dân tộc thiểu số tại Thành phố. 

Đầu năm 2023, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các lĩnh vực: giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số, góp phần tạo nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thành phố cũng đặt ra mục tiêu cụ thể trong lĩnh vực giáo dục đối với đồng bào thiểu số cuối năm 2025 sẽ đạt tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học Tiểu học trên 97%, học Trung học Cơ sở trên 95%, học Trung học Phổ thông trên 60%...

Ông Lang Phúc Hương, người dân tộc Thái, thành viên Hội đồng tư vấn dân tộc tôn giáo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, đồng bào các dân tộc mong muốn các ban, ngành Thành phố phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cho con em  các dân tộc thiểu số được hưởng thụ các chính sách khuyến học, khuyến tài, nâng cao trình độ học vấn; tiếp tục quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm để đồng bào các dân tộc có cuộc sống ngày càng ổn định và tốt hơn, đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương, xứng đáng là bông hoa đẹp trong vườn hoa rực rỡ sắc màu của Thành phố mang tên Bác.

PV
Bí quyết học tập của thủ khoa người dân tộc thiểu số
Bí quyết học tập của thủ khoa người dân tộc thiểu số

Là học sinh người dân tộc thiểu số, đến từ những xã vùng khó khăn, biên giới của tỉnh Nghệ An, bằng sự nỗ lực, quyết tâm và hơn cả là niềm đam mê với học tập, em Cao Duy Thông (Trường Trung học Phổ thông Cờ Đỏ, huyện Nghĩa Đàn) và em Nguyễn Quốc Cường (Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 Nghệ An, đóng tại thành phố Vinh) đã đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN