Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tại Bạc Liêu ngày một nghiêm trọng

Ngày 18/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, tốc độ sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh ngày một tăng, làm mất diện tích đất sản xuất, ảnh hưởng cơ sở hạ tầng, đe dọa cuộc sống của người dân.

Chú thích ảnh
Đoạn sụp, lún đê, kè cửa biển Nhà Mát. 

Việc kiểm tra thực tế cho thấy, Bạc Liêu có khoảng 15 km bờ biển bị xói lở quanh năm; 19 km bờ biển có những tháng lở, tháng bồi; 22 km bờ biển được bồi lắng quanh năm. Cùng với đó, tình hình sạt lở bờ sông cũng diễn biến khó lường, đặc biệt là tại một số vị trí như: sông Kênh Xáng Hộ Phòng - Gành Hào; kênh 30/4 thuộc Phường 2, thành phố Bạc Liêu; sông Cà Mau - Bạc Liêu, thị xã Giá Rai; kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, thị trấn Phước Long; tuyến kênh Phú Tòng, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi… Qua theo dõi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu nhận thấy, tốc độ sạt lở bờ sông ở các vị trí trên thường từ 0,3-3m/năm. Có những điểm sạt lở ở sát khu dân cư, cơ sở hạ tầng.

Theo cơ quan chuyên môn, nguyên nhân sạt lở bờ sông, bờ biển trong thời gian qua được xác định là do tác động của dòng chảy ven bờ, thủy triều, sóng, gió... Ngoài ra, thời gian gần đây, do tác động của triều cường dâng cao, mức chênh lệch giữa con nước lên, nước xuống khá cao; đồng thời do tác động tàu thuyền lưu thông trên sông với công suất lớn, tạo ra sóng to, đã làm cho tình trạng sạt lở bờ sông ngày một nhiều.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, trước tình trạng xâm thực bờ biển diễn ra ngày càng gay gắt, đe dọa trực tiếp đến thảm rừng phòng hộ và tuyến đê ven biển Đông, cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều dự án, công trình phòng chống sạt lở bờ biển; các dự án gây bồi, tạo bãi, khôi phục rừng phòng hộ để chống sạt lở bờ biển... Tuy nhiên, các công trình gây bồi tạo bãi để khôi phục lại rừng phòng hộ ven biển của tỉnh chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. 

Tỉnh Bạc Liêu có bờ biển dài 56 km, có tiềm năng rất lớn cho phát triển kinh tế biển cũng như đảm bảo an ninh - quốc phòng và sinh kế của hơn 100 nghìn người dân. Song, đây cũng là khu vực chịu nhiều tác động của sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn; đặc biệt là hiện tượng xói lở bờ biển, sạt lở đê biển, kè cửa sông ven biển do thay đổi dòng chảy và sóng to, gió lớn, gây thiệt hại ngày càng nặng nề.

Tin, ảnh: Huỳnh Sử (TTXVN)
Sạt lở bờ biển nghiêm trọng ở Thừa Thiên – Huế
Sạt lở bờ biển nghiêm trọng ở Thừa Thiên – Huế

Ảnh hưởng của các cơn bão số 5, số 9 và các đợt mưa lũ dài ngày vừa qua đã làm cho tình trạng sạt lở bờ biển tại Thừa Thiên - Huế càng gia tăng, nhất là ở các địa điểm xung yếu biển ăn sâu vào đất hàng chục mét, uy hiếp đến đời sống của hàng trăm hộ dân, nguy cơ cao mở thêm cửa biển mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN