Trước tình thế cấp bách trên, các trạm bơm nước thủy lợi trên nhiều cánh đồng của tỉnh Thừa Thiên - Huế những ngày qua đang hoạt động liên tục, vận hành hết công suất 24/24 giờ để “chạy nước rút” khẩn trương cứu lúa ở những diện tích có khả năng sống cao.
Còn nước còn tát
Trên cánh đồng rộng lớn hàng trăm ha của Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thanh, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, những ngày này vang rền tiếng máy nổ suốt ngày đêm của các trạm bơm nước đặt tại nhiều vị trí để khẩn trương tiêu úng cứu lúa. Cánh đồng nơi đây từ chỗ trắng xóa một màu nước nay đã rút xuống dần và cây lúa đã nhô lên được một phần khỏi mặt nước.
Năm nay đã bước qua tuổi ngoài 80 nhưng ông Nguyễn Cái, một thành viên của hợp tác xã cho biết, đây là lần đầu tiên ông chứng kiến đợt mưa lũ trái mùa gây ngập úng trên diện rộng. Đứng cạnh trạm bơm nước của hợp tác xã, ông Nguyễn Cái không khỏi lo lắng bởi dù bơm liên tục nhưng do lượng nước quá lớn nên việc tiêu úng diễn ra chậm. Theo ông Cái, mặc dù biết khả năng diện tích cứu được rất thấp nhưng bà con ở đây vẫn muốn “còn nước còn tát”.
“Cây lúa đang ở giai đoạn làm đòng, mực nước phù hợp cho cây phát triển từ 5 – 10 cm. Hiện nay, mực nước trong ruộng ở khu vực trũng đang cao ở mức 50 cm, nếu kéo dài thêm thời gian sẽ bị hư đòng, sau này cây lúa không có năng suất hoặc sẽ chết. Nguy cơ mất mùa vụ này là hiện hữu”, ông Nguyễn Cái buồn rầu chia sẻ.
Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thanh có diện tích sản xuất lúa trên 275 ha. Trong đợt cao điểm mưa lũ từ ngày 2-3/4 đã làm ngập 100% đối với diện tích 175 ha, diện tích còn lại ngập khoảng 70%.
Theo ông Phan Thanh Đông, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thanh, hợp tác xã đã huy động bà con xã viên ra đắp lại bờ vùng, đê bao nhiều đoạn bị vỡ để tiến hành bơm tiêu. Hiện hợp tác xã đang huy động 20 máy bơm dầu và 4 trạm bơm điện để chạy liên tục ở những cánh đồng có chân ruộng cao, có khả năng cứu sống lúa. Chi phí mỗi ngày cho tiêu úng khoảng 1,5 triệu đồng nhưng hợp tác xã vẫn cố gắng nhằm vớt vát lại một phần diện tích lúa cho xã viên.
Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Quản lý Khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên - Huế Dương Đức Hoài Khánh cho biết, việc bơm nước tiêu úng trên địa bàn tỉnh hiện ra diễn ra rất khẩn trương để tranh thủ lượng mưa giảm, mực nước triều cường đang xuống thấp. Hiện đơn vị đang vận hành 11 trạm bơm nước công suất lớn, còn 17 trạm bơm nước chưa hoạt động được do vỡ đê bao nội đồng đang phải tiến hành hàn khẩu lại. Công ty cũng huy động nhân viên vận hành các công trình thủy lợi thường xuyên theo dõi lịch triều, mực nước trên sông, đầm phá để đóng, mở các cửa cống trên đê ven phá, đập Cửa Lác, Thảo Long, cống Quang… để kịp thời tiêu úng.
Chấp nhận mất diện tích lúa bị ngập sâu
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Đình Đức cho biết, diện tích lúa vụ Đông Xuân của tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện bị ngập úng khoảng 20.834 ha. Trong đó, ước tính diện tích bị ảnh hưởng trên 70% khoảng 17.748 ha, diện tích bị ảnh hưởng từ 30 - 70% là 3.085 ha. Do diện tích lúa của tỉnh đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông nên sức chống chịu ngập úng kém, nếu bị ngập sâu trong vòng khoảng 5 ngày sẽ có khả năng mất trắng đối với diện tích 17.748 ha.
Trong đợt mưa lớn trên diện rộng vừa qua, hệ thống đê bao nội đồng ở khu vực đồng bằng của tỉnh Thừa Thiên – Huế đã bộc lộ nhiều bất cập, xuống cấp khiến nước từ bên ngoài tràn nhanh vào đồng ruộng, nhiều đoạn bị vỡ như đê Trường Lưu Phú Đa (ở huyện Phú Vang) bị vỡ 20m gây ngập hoàn toàn 607 ha diện tích lúa.
Theo Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, nguyên nhân của tình trạng ngập trên diện rộng đối với diện tích sản xuất lúa hiện nay là do đợt mưa có lượng và cường độ lớn gây ra đợt lũ diện rộng trên sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương, sông Nong, sông Truồi, Bù Lu.
Mặt khác, hệ thống đê nội đồng ven sông Bồ, sông Hương và các sông khác có cao trình bờ rất thấp từ +0,5m đến +1m; nhiều đoạn đê đã đầu tư quá lâu, xuống cấp nên khi mực nước, dòng chảy trên sông lớn đã tràn qua mặt đê. Tại khu vực hạ du do thủy triều có thời điểm dâng cao hơn 1 m, các sông, hói bị bồi lắng, gây khó khăn cho việc thoát lũ, làm cho mực nước trên sông dâng cao, xuống chậm gây ngập, tràn bờ vùng, đê bao nội đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, khâu tiêu úng cần thực hiện một cách khoa học, dựa vào mực nước triều cường; trong đó, tập trung nguồn lực tiêu úng cho diện tích lúa trên 3.000 ha có khả năng cứu được; chấp nhận mất trắng những diện tích bị ngập sâu, bởi muốn bơm cạn diện tích này phải mất khoảng 10 ngày, khi đó cây lúa cũng sẽ bị chết.
Các địa phương trong tỉnh cần nhanh chóng thống kê những hộ dân bị ảnh hưởng để có giải pháp hỗ trợ về lương thực, không để người dân bị thiếu đó vào thời điểm giáp hạt. Tỉnh sẽ chi nguồn kinh phí dự phòng để hỗ trợ tiêu úng, ước khoảng 7 tỷ đồng và sẽ huy động các nguồn lực khác nhau để hỗ trợ hoàn toàn về giống để người dân gieo trồng trong vụ Hè Thu - ông Phương chỉ đạo.
Đợt mưa lũ đầu tháng 4/2022 đã gây thiệt hại cho tỉnh Thừa Thiên – Huế khoảng 1.103 tỷ đồng; trong đó, riêng lĩnh vực nông nghiệp hơn 935 tỷ đồng. Thừa Thiên – Huế đang dự thảo đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ tỉnh 1.500 tấn giống lúa ngắn ngày, 10 tấn hạt giống rau và 5 tấn giống ngô, 2.000 tấn gạo và kinh phí tiêu úng khoảng 7 tỷ đồng; hỗ trợ 100 tỷ đồng để tu bổ, sửa chữa các công trình dân sinh, thủy lợi, đê điều phục sản xuất...
Về lâu dài, tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ triển khai đầu tư xây dựng hồ Ô Lâu Thượng (huyện Phong Điền), hồ chứa nước Thủy Cam (huyện Phú Lộc), sửa chữa đập Thảo Long; đồng thời, hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp hệ thống đê ven phá Tam Giang - Cầu Hai theo chương trình nâng cấp đê biển của Chính phủ; bố trí vốn cho chương trình nâng cấp hệ thống kênh mương, đê sông, đê bao nội đồng.