Tại An Giang, giá các loại lúa vẫn duy trì ổn định so với tuần trước như: lúa tươi IR 50404 ở mức từ 5.600-5.800 đồng/kg; OM 5451 từ 5.600-5.800 đồng/kg; lúa Nhật 8.000-8.500 đồng/kg; Nàng Hoa 9 từ 5.900-6.000 đồng/kg. Bên cạnh đó cũng có một số loại có biến động tăng/giảm nhẹ như: OM 18 là 6.000-6.200 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; Đài thơm tám từ 5.800-6.000 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.
Lúa nếp có sự biến động giá tùy địa phương. Lúa nếp tươi An Giang ở mức từ 5.600-5.850 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; nhưng nếp Long An tươi từ 5.400-5.500 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.
Về giá các loại gạo ở An Giang cũng không có sự biến động: Hương lài 19.000 đồng/kg, sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo Nàng nhen 20.000 đồng/kg, Nàng hoa 17.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài 18.000-19.000 đồng/kg; Jasmine từ 15.000-16.000 đồng/kg; gạo thường 11.000-12.000 đồng/kg.
Đến nay, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành thu hoạch lúa Mùa 2021-2022 với diện tích đạt 170,6 nghìn ha, tăng 13,6%; năng suất đạt 49,4 tạ/ha, tăng 2,2 tạ/ha. Sản lượng lúa tăng khá, đạt 881,2 nghìn tấn, tăng 32,4%, tương đương tăng 215,8 nghìn tấn.
Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã xuống giống 236,4 nghìn ha lúa vụ Hè Thu, tăng 29 % so với cùng kỳ năm ngoái; tập trung tại Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và Hậu Giang.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định phê duyệt Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025.
Riêng về lúa gạo, đề án sẽ xây dựng vùng nguyên liệu ở Tứ Giác Long Xuyên 50.000 ha, đồng thời xây dựng Trung tâm logistic chuỗi lúa gạo tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang; Trung tâm logistic lúa-tôm hữu cơ tại huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3 năm 2022 ước đạt 500 nghìn tấn với giá trị đạt 246 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2022 đạt 1,48 triệu tấn và 715 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và tăng 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2022 đạt 482 USD/tấn, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2021. Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2022 với 53,3% thị phần. Thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất là Tiểu vương quốc ẢRập Thống Nhất gấp 2,8 lần.
Trong tuần qua, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 400-415 USD/tấn trong phiên 31/3, giảm so với mức 415-420 USD/tấn trong tuần trước.
Một thương lái tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nguồn cung trong nước đang tăng nhờ sản lượng thu hoạch từ vụ Đông-Xuân, thêm vào đó chất lượng vụ mùa này đã bị ảnh hưởng do mưa kéo dài khi thu hoạch.
Dữ liệu vận chuyển sơ bộ cho thấy 72.000 tấn gạo dự kiến sẽ được bốc dỡ tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh trong tuần đầu tiên của tháng 4/2022, trong đó, hầu hết số gạo này sẽ được vận chuyển đến Philippines và châu Phi.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ không đổi trong bối cảnh triển vọng nguồn cung tăng và đồng rupee tăng giá, trong khi lượng dự trữ tăng đã ảnh hưởng đến giá gạo tại Việt Nam.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức từ 367-370 USD/tấn trong tuần này, không đổi so với tuần trước.
Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, cho biết vì chính phủ đã kéo dài thời gian trợ cấp phân phối ngũ cốc thêm sáu tháng, nguồn cung ứng trong nước sẽ tăng và giá cả sẽ tiếp tục chịu sức ép.
Giá gạo Thái 5% tấm giảm xuống mức từ 408-410 USD/tấn trong tuần này, so với mức 408-412 USD/tấn trong tuần trước.
Các thương nhân cho biết nhu cầu gạo Thái Lan ở nước ngoài đã bị giảm do không đủ tàu và giá cước vận chuyển cao.
Tuy nhiên, một nhà kinh doanh gạo tại Bangkok cho biết giá vẫn cao do nhu cầu trong nước đối với gạo tấm dùng làm thức ăn chăn nuôi do vấn đề logistics.
Tình hình nguồn cung vẫn không đổi dù có thêm sản lượng từ vụ thu hoạch mới trong tuần này.
Tại Bangladesh, giá gạo trong nước đã tăng trong tuần này, mặc dù mùa vụ và dự trữ tốt, trong bối cảnh lạm phát trong tháng 2/2022 đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2020.
Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch 1/4, giá các mặt hàng nông sản giao kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ) đều giảm, dẫn đầu là đậu tương.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 5/2022 giảm 13,75 xu Mỹ (1,84%) xuống 7,35 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn giảm 21,5 xu Mỹ (2,14%) xuống 9,845 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 5/2022 giảm 35,5 xu Mỹ (2,19%) xuống 15,8275 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá ngô Mỹ đang chịu sức ép khi giá ngô của Argentina đang rẻ hơn gần 1 USD, điều này đã thúc đẩy các nhà mua thức ăn chăn nuôi trên thế giới chuyển sang Argentina.
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago đã cắt giảm ước tính xuất khẩu ngô giai đoạn 2021-2022 của Mỹ xuống 50 triệu bushel và sẽ có sự điều chỉnh tương tự trong tháng 4/2022 nếu hoạt động xuất khẩu ngô của Mỹ không cải thiện. Ngày 1/4, khoảng 130.000 tấn ngô đã được bán cho một người mua giấu tên.
Dự báo thời tiết cho thấy khu vực Tây Canada và khu vực đồng bằng Mỹ sẽ có ít mưa trong hai tuần tới. Thời tiết ấm lên trong 11-15 ngày tới phù hợp để bắt đầu gieo trồng ngô.
Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch 1/4, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục tăng. Giá cà phê giao kỳ hạn tháng 5/2022 tăng thêm 13 USD, lên 2.165 USD/tấn và giá cà phê giao tháng 7/2022 tăng thêm 12 USD, lên 2.152 USD/tấn. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE US - New York cũng tăng phiên thứ ba liên tiếp. Giá cà phê giao tháng 5/2022 tăng thêm 4,55 xu Mỹ, lên 226,40 xu Mỹ/lb và giá cà phê giao tháng 7/2022 cũng tăng thêm 4,55 xu Mỹ, lên 226,45 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm từ 200 - 300 đồng, lên dao dộng trong khung 41.100 - 41.600 đồng/kg.
Giá cà phê giao kỳ hạn tiếp tục hưởng lợi khi giá vàng và giá dầu thô tiếp tục sụt giảm. Đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ "giải phóng" kho dự trữ dầu với định lượng 1 triệu thùng/ngày trong vòng 6 tháng nhằm kìm chế lạm phát. Trong khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, cũng tuyên bố sẽ tăng sản lượng thêm 432.000 thùng/ngày kể từ tháng 5/2022 để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19. Những thông tin này đã góp phần xoa dịu thị trường dầu. Dòng vốn đầu cơ tiếp tục dịch chuyển về lại các sàn hàng hóa; trong đó có cà phê.