Anh Hoàng Văn Đức, thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) trước đây thuộc diện hộ nghèo, thu nhập bấp bênh. Gia đình chỉ trông vào vài sào ruộng, nuôi thêm con gà, con lợn và lúc rảnh thì đi rừng kiếm củi, kiếm măng. Nhiều đêm trằn trọc muốn thoát nghèo nhưng anh Đức đành bất lực vì không có vốn và không biết nên trồng cây gì, nuôi con gì. Thế rồi may mắn anh được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Ninh, nhờ sự tư vấn của Hội Nông dân xã anh đầu tư vào chăn nuôi gà như gà sao, gà đen, gà Tiên Yên.
Cầm 50 triệu vay từ nguồn vốn tín dụng chính sách cho người nghèo, anh đầu tư mua giống gà sao và máy móc hết 40 triệu, còn 10 triệu đầu tư mua thức ăn.
Anh Hoàng Văn Đức tâm sự, ban đầu chưa có kinh nghiệm tôi cũng lo lắng mất ăn mất ngủ. Tuy nhiên nhờ làm theo hướng dẫn của Hội Nông dân, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên đàn gà phát triển tốt. Ngoài thức ăn công nghiệp gia đình còn tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để giảm chi phí và nâng cao chất lượng con gà. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình thu về từ 150 triệu-200 triệu. Sắp tới gia đình sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi gà dược liệu lên 10.000 con.
Anh Đức cho biết thêm, có nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi người dân sẽ yên tâm hơn, thời gian trả lãi, gốc kéo dài, lãi suất ưu đãi. Giờ gia đình đã trả hết vốn vay và còn hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân trong thị trấn nguồn vốn, kỹ thuật chăn nuôi, đầu ra cho sản phẩm. Nhiều hộ dân trong thị trấn đã tìm đến gia đình anh Đức để học hỏi kinh nghiệm.
Cũng như gia đình anh Hoàng Văn Đức, gia đình anh Triệu Quay Phúc, thôn Tầu Tiên, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ vay Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi bò và đã thoát nghèo thành công. Trước đây gia đình anh Phúc thuộc diện nghèo của xã. Năm 2005, sau khi được vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh Phúc đã mạnh dạn đầu tư mua 5 con bò sinh sản. Nhờ đàn bò phát triển tốt nên đến năm 2009, gia đình anh Phúc thoát nghèo và đã trả hết nợ vay của ngân hàng.
Sau khi thoát nghèo, anh Phúc mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng từ chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và chuyển hướng đầu tư vào trồng keo. Sau thời gian 7 năm, gia đình anh Phúc đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ thu hoạch rừng keo. Từ hiệu quả mang lại, gia đình anh tiếp tục đầu tư trồng thêm 18 ha keo, 5 ha quế và làm vườn ươm cung cấp cây giống cho các hộ gia đình trên địa bàn. Đến nay, gia đình anh đã tạo thêm việc làm mới cho 5-10 lao động tại địa phương từ mô hình trồng rừng với mức thu nhập từ 300.000 đến 320.000 đồng/người/ngày; qua đó góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo trên địa bàn.
Cũng như gia đình anh Đức, anh Phúc nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách khác trên địa bàn huyện Ba Chẽ cũng như các huyện, thị, thành phố khác của tỉnh Quảng Ninh được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao qua đó thoát nghèo bền vững. Và huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh được đánh giá có chất lượng tín dụng tốt nhất cả nước.
Ông Lê Hồng Phú, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện ngân hàng không có nợ xấu, tỷ lệ sử dụng đồng vốn của người dân khá hiệu quả. Thống kê cho thấy, trong 20 năm qua nguồn vốn tín dụng đã giúp cho 2.040 hộ gia đình thoát nghèo, 866 hộ thoát cận nghèo, 537 hộ mới thoát nghèo được vay vốn. Đồng thời, nguồn vốn còn thu hút, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho trên 2.280 lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ dành nhiều nguồn lực tín dụng chính sách để người dân được tiếp cận với ngồn vốn để mở rộng sản xuất, mở rộng mô hình chăn nuôi, trồng rừng. Qua đó đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ninh, từ hoạt động vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh với thủ tục đơn giản, mức vay và phương thức trả nợ phù hợp, lãi suất ưu đãi, thời gian dài, người nghèo và các đối tượng chính sách đã dần thay đổi nhận thức theo hướng tích cực, sử dụng vốn có trách nhiệm, trả nợ đúng hạn, tạo được việc làm, tăng thu nhập, nhất là tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Ninh với số tiền trên 1.020 tỷ đồng, chiếm 23% tổng số vốn, tăng 984 tỷ đồng và gấp 28 lần so với thời điểm trước Chỉ thị số 40 được ban hành, đứng thứ 7 toàn quốc về số vốn ủy thác.
Tính chung trong giai đoạn 2014-2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nguồn vốn tín dụng chính sách Trung ương và địa phương tập trung đầu tư đã góp phần giúp trên 30.000 lượt hộ thoát nghèo, cận nghèo bền vững; tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm, tăng thu nhập cho trên 97.000 người lao động.
Riêng từ đầu năm 2023 tới nay, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo việc làm mới cho gần 2.200 lao động; gần 2.900 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng hỗ trợ xây dựng 118.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn và 2.600 căn nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng cho vay vốn chuyển đổi nghề với trên 430 cơ sở, người lao động; hơn 4.100 lượt người lao động tại vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo được tiếp cận với nguồn vốn ngân sách địa phương để phát triển sản xuất.