Tín dụng chính sách xã hội đóng vai trò quan trọng trong thực hiện công tác giảm nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm ở các địa phương. Năm 2023, ước thực hiện kế hoạch tín dụng với tổng dư nợ đạt 321.648 tỷ đồng, trong đó cho vay hộ nghèo là 34.802 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo là 43.099 tỷ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo là 46.108 tỷ đồng, cho vay các đối tượng chính sách khác là 197.639 tỷ đồng.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến địa phương đã trích từ Quỹ "Vì người nghèo" các cấp và chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận vận động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trực tiếp đi thăm, tặng quà Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, công nhân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với hơn 5,4 triệu suất quà, trị giá khoảng 2.389 tỷ đồng. Trong đó, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trích Quỹ trao tặng 26.450 suất quà. Mặt trận Tổ quốc địa phương trao khoảng 5,35 triệu suất quà, trị giá trên 2.365 tỷ đồng. Các doanh nghiệp cũng đã đóng góp khoảng 160 tỷ đồng để thăm, tặng quà Tết cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, công nhân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Để tiếp tục huy động sự đóng góp của xã hội trong công tác giảm nghèo, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký kết chương trình phối hợp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để thực hiện trong 3 năm còn lại của Chương trình.
Theo số liệu báo cáo của các địa phương, giai đoạn 2021-2022 và 6 tháng đầu năm 2023, các địa phương đã huy động từ người dân và cộng đồng trên 4.000 tỷ đồng (trong đó huy động bằng tiền mặt trên 1.340 tỷ đồng, huy động ngày công, hiện vật quy đổi trên 2.660 tỷ đồng) để thực hiện Chương trình.
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan chủ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã kiện toàn Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo; kiện toàn Tổ công tác về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, thực hiện chức năng giúp Tổ trưởng Tổ công tác là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, phối hợp giải quyết các công việc để triển khai có hiệu quả Chương trình.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương khẩn trương xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện Chương trình; hướng dẫn các địa phương trong triển khai thực hiện Chương trình theo phân cấp; ban hành kế hoạch giám sát, đánh giá năm 2023 và tăng cường công tác đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình.
Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức nhiều đoàn công tác đi địa phương, tổ chức các Hội nghị trực tuyến toàn quốc ở các vùng Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung để triển khai, đôn đốc thực hiện Chương trình với thành phần gồm: Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia và các bộ, cơ quan trung ương thực hiện Chương trình; Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh và cấp huyện.
Các bộ, cơ quan trung ương đã chủ động tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn để triển khai các quy định, cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo nhiệm vụ được phân công trong Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo Trung ương. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức 3 Hội nghị với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về triển khai thực hiện Nghị định số 27/2022/NĐ-CP. Các cơ quan chủ chương trình, chủ dự án/tiểu dự án thành phần tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương xây dựng các cơ chế, chính sách quản lý, điều hành Chương trình.