Làm việc với Đoàn có bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng; bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các địa phương trong tỉnh.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, tính đến ngày 30/9, dư nợ tín dụng chính sách toàn tỉnh đạt 4.773 tỷ đồng. Tỉnh quan tâm triển khai nguồn vốn tín dụng cho các chương trình mục tiêu quốc gia kịp thời và đúng quy định; trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt 3.585 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt 2.428 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi dư nợ cho vay đạt 1.337 tỷ đồng, chiếm 28%/tổng dư nợ, với 45.189 khách hàng còn dư nợ.
Bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định, các chương trình mục tiêu quốc gia là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện. Cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có thêm điều kiện phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao đời sống.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã trực tiếp thực hiện 4/7 dự án thành phần của Chương trình giảm nghèo bền vững, 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và 2/10 dự án thành phần của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tham gia hiệu quả vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Từ năm 2022 đến ngày 30/9/2023 đã giải ngân cho 7.100 khách hàng với 294 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hơn nữa nguồn vốn tín dụng, trong thời gian tới đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tiếp tục quan tâm bổ sung vốn hàng năm tăng từ 10 - 15%.
Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Dương Quyết Thắng ghi nhận những kiến nghị của địa phương và lưu ý tỉnh tiếp tục chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và thực hiện tín dụng chính sách trên cơ sở điều kiện thực tế của địa phương.
Sáng cùng ngày, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế việc triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách trong các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ tại huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng).
Ông Phạm Tuân, Bí Thư Huyện ủy Mỹ Tú (Sóc Trăng) cho biết, toàn huyện có 26,5% là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Thời gian qua, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả và tác động tích cực trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo ở địa phương; trong đó, tạo việc làm cho 3.500 lao động, hỗ trợ chi phí cho 40 người đi xuất khẩu lao động nước ngoài, xây dựng trên 3.900 ngôi nhà cho hộ nghèo, trên 13.000 hộ thoát nghèo…
Ông Phạm Tuân cũng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam bổ sung đối tượng hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo được tiếp tục thụ hưởng chính sách tín dụng (kể từ ngày có quyết định thoát nghèo đến 5 năm) để người dân có điều kiện phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững; mở rộng đối tượng cho vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường đối với những hộ gia đình sinh sống tại một số ấp chưa đảm bảo theo quy chuẩn quốc gia về nước sạch vệ sinh môi trường; nâng mức cho vay từ 10 triệu đồng/công trình lên 20 triệu đồng/công trình nhằm phù hợp với chi phí xây dựng thực tế.
Nhân dịp này, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Dương Quyết Thắng đã trao tặng bảng tượng trưng 20 căn nhà Đại đoàn kết với tổng kinh phí 1 tỷ đồng cho tỉnh Sóc Trăng.