Vốn tín dụng chính sách - điểm tựa để phụ nữ được trao quyền năng kinh tế

Ngân hàng Chính sách xã hội không chỉ là người bạn đồng hành mà còn là điểm tựa về mặt kinh tế, tinh thần, ý chí và khát vọng vươn lên của phụ nữ.

Chú thích ảnh
Các chuyên gia, nhà quản lý tham luận tại hội thảo. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Nhận định trên được Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga nêu lên trong hội thảo bàn tròn trong khuôn khổ Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội”, do Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 16/8.

Góp phần thúc đẩy bình đẳng giới

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là một trong bốn tổ chức chính trị xã hội được thực hiện chương trình ủy thác đối với Ngân hàng Chính sách xã hội và là tổ chức nhận ủy thác quản lý lượng dư nợ tín dụng lớn nhất của Ngân hàng này.

Đề cập đến vai trò của tín dụng sách xã hội với nỗ lực giảm nghèo của các hội viên phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới, bà Hà Thị Nga cho biết, thông qua các hoạt động ủy thác đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thực hiện tốt sứ mệnh chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ nghèo.

Đây cũng là một cách để Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đổi mới phương thức tập hợp, thu hút hội viên, góp phần củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức hội. Vì vậy, nhiều nhiệm kỳ qua, Hội đều xác định tham gia thực hiện chính sách tín dụng, chính sách xã hội là một trong những giải pháp hết sức quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của tổ chức hội, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của tổ chức hội trong việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề thiết yếu liên quan đến phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là phụ nữ nghèo.

“Đối với phụ nữ nghèo, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội là một điểm tựa vững chắc để người phụ nữ được trao cơ hội, quyền năng kinh tế, giúp họ tự chủ, tự tin hơn, chuyển từ thụ động sang chủ động hơn trong thực hiện các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước thoát khỏi cảnh đói nghèo và vươn lên, có những hộ đã trở thành hộ giàu, hộ khá”, bà Hà Thị Nga cho hay.

Theo bà Hà Thị Nga, nhiều chị hiện nay đang rất vững vàng khi điều hành doanh nghiệp mà xuất phát ban đầu chính là từ việc tiếp cận với nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội không chỉ giúp chị em có nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế hộ gia đình, mà thông qua việc trở thành khách hàng của Ngân hàng, phụ nữ có được thêm cơ hội phát triển bản thân, được nâng cao kỹ năng, biết cách sử dụng đồng vốn hiệu quả.

Bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao tính hiệu quả, giá trị và ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà chương trình tín dụng chính sách xã hội đem lại cho người dân nghèo, trong đó có phụ nữ nghèo trong suốt hành trình hơn hai thập kỷ vừa qua, bà Hà Thị Nga chia sẻ, đồng vốn chính sách đem lại lợi ích rất to lớn đối với phụ nữ. Khi người phụ nữ chủ động và tự tin trong phát triển kinh tế hộ gia đình, thoát được nghèo, họ sẽ tự tin tham gia các hoạt động xã hội và đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội không chỉ dừng lại cho vay đối với các đối tượng trực tiếp thông qua việc ủy thác của các tổ chức chính trị xã hội, mà trong đó có một bộ phận phụ nữ còn được gián tiếp thụ hưởng chương trình cho vay thông qua gói tín dụng cho vay để giảm nghèo, giải quyết việc làm, dạy nghề.

“Chúng tôi cho rằng đó là những kênh hết sức quan trọng giúp cho phụ nữ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo và khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong xã hội”, bà Hà Thị Nga nói.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chương trình tín dụng này góp phần rất quan trọng thúc đẩy, hiện thực hóa các mục tiêu, cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về bình đẳng giới, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng trong nghị quyết của các kỳ đại hội, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Dẫn chứng, bà Hà Thị Nga cho biết, trong 6,6 triệu khách hàng là người nghèo hiện đang là khách hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội, có tới 4,4 triệu khách hàng là phụ nữ nghèo, chiếm trên 66%. Đây là con số hết sức ý nghĩa, thể hiện được việc thực hiện bình đẳng giới.

Củng cố niềm tin của người dân với Đảng và chính quyền

Nhìn từ góc độ công tác dân vận, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang khẳng định, Ngân hàng Chính sách xã hội là cầu nối quan trọng giữa chính quyền, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở, với nhân dân, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, góp phần tăng cường và củng cố niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Với mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng đặc thù, Ngân hàng Chính sách xã hội đã đưa nguồn vốn đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, thông suốt và đảm bảo công khai, dân chủ, thực hiện tốt phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng. Từ đó, đã tiết giảm được chi phí cho người vay, cho ngân hàng, tăng hiệu quả kinh tế xã hội. Đồng thời, trong quá trình đó đã làm tốt vai trò công tác dân vận chính quyền, để chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ tiết kiệm vay vốn đồng hành với Ngân hàng Chính sách xã hội trong quá trình quản lý, phát huy hiệu quả tác dụng của nguồn vốn quỹ.

Với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, các cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội luôn đồng hành với nhân dân, gắn chặt với người dân tới tận thôn, làng, ấp, bản. Qua đó, cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội không chỉ trực tiếp làm dân vận đối với khách hàng - người nghèo - mà còn phải biết làm dân vận khéo, biết tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, cũng như phối hợp tốt với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội để tuyên truyền, vận động nhân dân, đưa nguồn vốn đến tận tay người dân.

Cùng với việc làm tốt công tác dân vận của Ngân hàng Chính sách xã hội, đã phát huy được sức mạnh, sự đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, ngày càng củng cố, tăng cường niềm tin của người dân, nhất là người nghèo, đối với Đảng và chính quyền.

“Với góc độ dân vận, thực chất Ngân hàng Chính sách xã hội cũng là một lực lượng dân vận chính quyền rất có hiệu quả. Phát huy dân vận khéo, trong hơn 20 năm thành lập, Ngân hàng đã đưa nguồn vốn tới hàng triệu hộ nghèo, các đối tượng chính sách qua mạng lưới các tổ tiết kiệm vay vốn khắp cả nước, tới tận các thôn, làng, ấp, bản”, ông Bùi Tuấn Quang cho hay.

Các nguồn vốn quỹ này đã phát huy hiệu quả trong việc phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập, đáp ứng những yêu cầu thiết yếu của người dân, các đối tượng chính sách và đối tượng thụ hưởng.

Ông Bùi Tuấn Quang đánh giá cao phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội và tổ tiết kiệm vay vốn; cho rằng, đây không chỉ là một kênh để dẫn nguồn vốn tới tay người nghèo, mà còn là một cách làm hay, mô hình sáng tạo về công tác dân vận. Hiệu quả cao nhất chính là góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hơn thế nữa, củng cố và tăng cường niềm tin vững chắc của người dân vào công cuộc Đổi mới của đất nước do Đảng khởi xướng lãnh đạo.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trong giảm nghèo
Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trong giảm nghèo

Tại tỉnh Sóc Trăng việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã được cả hệ thống chính trị quan tâm thực hiện. Qua đó, đã phát huy vai trò của nguồn vốn chính sách xã hội trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là giảm nghèo ở địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN