Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trong giảm nghèo

Tại tỉnh Sóc Trăng việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã được cả hệ thống chính trị quan tâm thực hiện. Qua đó, đã phát huy vai trò của nguồn vốn chính sách xã hội trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là giảm nghèo ở địa phương.

Hiệu quả từ cơ sở

Chú thích ảnh
Triển khai các chương trình tín dụng cho bà con hộ nghèo, gia đình chính sách tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. 

Tại huyện Kế Sách, từ khi có Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay trên địa bàn không ngừng tăng trưởng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Theo Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kế Sách Nguyễn Chí Cường, sau 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả. Tính đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tại huyện đạt trên 463,2 tỷ đồng, với 15 chương trình tín dụng chính sách, có 36.869 lượt hộ được tiếp cận và vay vốn tín dụng chính sách, với tổng dư nợ 727,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, UBND huyện đã chuyển ngân sách huyện sang là 3 tỷ 854 triệu đồng để tạo lập nguồn vốn cho vay, đồng thời cấp 1.300 m đất để Ngân hàng chính sách xã hội xây dựng trụ sở Phòng giao dịch. Hiện Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, hàng tháng xuống tại các xã, thị trấn trên địa bàn thực hiện giao dịch, giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí và thuận lợi hộ nghèo, hộ chính sách được vay vốn, từ đó, chất lượng tín dụng chính sách có những chuyển biến tích cực.
 
Khoảng 5 năm trước, hộ anh Nguyễn Truy Phong (xã Phong Nẫm) huyện Kế Sách còn nằm trong diện hộ nghèo của địa phương, nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay chính sách 50 triệu đồng từ năm 2018, gia đình anh mới cải tạo và tu bổ chăm sóc vườn cây ăn trái (trồng cây chôm chôm). Sau 3 năm trở lại đây, cây bắt đầu cho thu hoạch, từ đó gia đình vừa làm và tiết kiệm, hiện nay, đời sống gia đình khấm khá hơn trước, trung bình thu nhập từ vườn cây ăn trái hơn 100 triệu đồng/năm.

Chú thích ảnh
Cán bộ tín dụng của Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đến thăm hỏi hộ vay vốn địa phương. 

Cũng theo anh Nguyễn Truy Phong, nhờ nguồn vốn chính sách hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế, cộng với nghị lực của bản thân phấn đấu nên mới thoát khỏi hộ nghèo vươn lên khá giàu. Không chỉ riêng trong gia đình anh mà nhiều gia đình nơi đây nhờ được nguồn vốn chính sách hỗ trợ cho vay làm ăn nên đời sống bà con khá dần, giờ trong xóm nhà cửa khang trang, con em đi học đàng hoàng và có việc làm ổn định, đời sống vật chất thần của người dân quê hương Phong Nẫm ngày càng nâng lên nhiều so với lúc trước.

 Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách - Lê Hoàng Phong cho biết, từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tạo điều kiện xây dựng và sữa chữa 561 ngôi nhà theo Quyết định 33 và đặc biệt giúp cho 13.730 hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương. Ngoài ra, nguồn vốn còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, như: cho vay trồng và cải tạo 1.850 ha cây ăn quả, phát triển trên  450.000 con gia súc, xây dựng 11.942 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…

Ông Trần Duy Đông, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng thông tin, hoạt động giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội luôn được cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác tạo điều kiện về cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả và năng lực hoạt động. Hiện toàn tỉnh, có 109 điểm giao dịch xã tại các xã, phường, thị trấn giải quyết trên 95% khối lượng giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội với khách hàng.

Tính đến 31/5/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 4.637 tỷ đồng, tăng 2.389 tỷ đồng, tương đương tăng 2,06 lần so với năm 2014. Ngân hàng Chính sách xã hội đang theo dõi và quản lý là 152.367 khách hàng, chiếm 45,86% số hộ dân toàn tỉnh được vay vốn từ các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Nợ quá hạn và nợ khoanh 329 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,09% trên tổng dư nợ.

Tăng nguồn vốn tín dụng

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào khẳng định, Chỉ thị số 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo nên tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết nhằm nâng chất lượng của nguồn vốn tín dụng như: Nghị quyết số 17/2018/NQ-HĐND, ngày 07/12/2018 về chính sách hỗ trợ vốn vay đối với người lao động tỉnh Sóc Trăng đi làm việc ở các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc); UBND tỉnh ban hành Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND, ngày 15/12/2017 về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác qua Ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Qua 9 năm, từ các chương trình tín dụng ưu đãi đã giúp cho 377.727 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, với doanh số cho vay 8.808 tỷ đồng, bình quân 978,7 tỷ đồng/năm. Qua đó, toàn tỉnh có hơn 85.059 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tính đến cuối năm 2022, tổng hộ nghèo trên địa bàn tỉnh hiện còn 15.139 hộ, chiếm tỷ lệ 4,54% tổng dân số.

Chú thích ảnh
Mô hình hộ vay vốn tình dụng chính sách phát triển kinh tế gia đình, tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. 

Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Sóc Trăng vận động tiền gửi tiết kiệm vào Ngân hàng chính sách xã hội, đến 31/5/2023, số dư tiền gửi tiết kiệm đạt 168 tỷ đồng, tăng 132 tỷ đồng so với năm 2014.

Bà Hồ Thị Cẩm Đào cho biết, trong thời gian tới, Tỉnh ủy sẽ tăng cường chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; xem đây, là nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch, hoạt động thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền các cấp. Tỉnh sẽ cân đối, bố trí ngân sách địa phương bổ sung nguồn vốn uỷ thác tối thiểu 15% tổng nguồn vốn tăng trưởng tín dụng để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn phát triển kinh tế, phấn đấu đến năm 2030 nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác chiếm 15%/tổng nguồn vốn.

Cùng đó, tỉnh kiến nghị kiến nghị, với bộ, ngành trung ương bổ sung đối tượng hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo được tiếp tục thụ hưởng chính sách tín dụng; nâng mức cho vay tối đa đối với các chương trình như, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 10 triệu đồng/công trình tăng 20 triệu đồng/công trình; bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng chính sách đối với hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình.

Đặc biệt, tỉnh cũng kiến nghị với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam quan tâm giao bổ sung nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách cho tỉnh Sóc Trăng hàng năm tăng trưởng từ 10%-15%; trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội để chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phát triển các khu công nghiệp.

Bài, ảnh: Tuấn Phi (TTXVN)
'Cầu nối' nguồn vốn tín dụng chính sách với người dân
'Cầu nối' nguồn vốn tín dụng chính sách với người dân

Đến bản Chà Coong (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) hỏi chị Lương Thị Xoan - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thì hầu như người nào cũng biết. Gần 4 năm gắn bó với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Chương, chị đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN