Rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng, phân loại nợ xấu
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được bố cục gồm 13 Chương, 195 Điều, quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Dự thảo Luật kế thừa quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành và bổ sung việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Cùng với đó, bổ sung thêm đối tượng áp dụng là tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán xử lý nợ. Dự thảo Luật về cơ bản kế thừa các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, có điều chỉnh một số nội dung như sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ, sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng luật hóa các quy định mang tính nguyên tắc áp dụng chung cho các ngân hàng chính sách…
Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị khá công phu, đầy đủ theo danh mục quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, thời hạn gửi hồ sơ dự án Luật chưa đáp ứng đúng yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nêu một số nội dung cụ thể, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, về đối tượng áp dụng (Điều 2), nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, rà soát mở rộng đối tượng để thúc đẩy thị trường mua, bán nợ công khai, minh bạch, phát triển hiệu quả, góp phần khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế. Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng là “các công ty công nghệ tài chính”.
Về áp dụng pháp luật (Điều 3), quy định ưu tiên áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng tại khoản 2 Điều này sẽ làm phát sinh mâu thuẫn với nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đề nghị các nội dung cần có quy định đặc thù so với các luật khác thì quy định cụ thể ngay trong từng điều, khoản của dự thảo Luật.
Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu (từ Điều 181 đến Điều 189), Ủy ban Kinh tế thấy rằng quy định tại dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở một số quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết số 42) đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý nhằm xử lý nhanh nợ xấu, khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, Nghị quyết số 42 là nghị quyết thí điểm nhằm xử lý nợ xấu, phức tạp và tập trung trong một thời gian nhất định, vì vậy, việc luật hóa các quy định của Nghị quyết số 42 cần được đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng, đặt trong bối cảnh các quy định pháp luật hiện nay đã được hoàn thiện rõ ràng, đầy đủ hơn.
Bên cạnh đó, cần đánh giá tổng thể, khách quan bối cảnh hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với công tác xử lý nợ xấu, từ đó hoàn thiện các quy định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, tránh hành chính hóa quan hệ dân sự, kinh tế, bảo đảm hài hòa, công bằng với các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, kinh tế trên nguyên tắc chỉ luật hóa những nội dung phù hợp trong điều kiện bình thường.
Về nợ xấu (Điều 181), Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng, phân loại nợ xấu để áp dụng cơ chế xử lý phù hợp, nhất là đối với các khoản nợ xấu được hạch toán trong bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng nhưng chưa đến mức độ khó thu hồi hoặc cần phải xử lý tài sản bảo đảm hoặc nợ xấu của khoản vay không đúng quy định.
Tháo gỡ tồn tại, hạn chế trong phát triển nhà ở
Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Dự thảo Luật gồm 13 chương với 196 điều. So với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật (sửa đổi) đã tăng hơn 13 điều; trong đó bãi bỏ 7 điều trong Luật hiện hành; giữ nguyên 47 điều; sửa đổi, bổ sung 104 điều; bổ sung mới 34 điều; Luật hóa từ Nghị định 11 điều.
Việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường. Đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 để phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật khác có liên quan.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đối với dự án Luật này cho thấy, Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nhà ở, trong đó cần quan tâm vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, bảo đảm rành mạch, rõ trách nhiệm và điều kiện bảo đảm thực hiện.
Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bên cạnh đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đầy đủ các dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; tiếp tục nghiên cứu để luật hóa tối đa các nội dung đang được quy định trong các văn bản dưới luật đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế.
Về đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức được sở hữu tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 10 và Điều 19), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp quy định tại Điều 10 của dự thảo Luật (bao gồm cả cá nhân nước ngoài) được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu nhà ở thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 5 của Luật Đất đai hiện hành, Điều 5 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân là người nước ngoài.
Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XIII) cũng không đề cập quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài. Do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ, đề xuất phương án chỉnh lý để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với chủ trương của Đảng, thống nhất về chính sách đất đai, nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định rõ tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về quyền sở hữu nhà ở (bao gồm cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) của cá nhân nước ngoài không gắn với quyền sử dụng đất, bảo đảm minh bạch, phù hợp với quy định tại Điều 5 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).