Phân loại chữ ký điện tử theo phạm vi sử dụng
Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Điều 1 đã được chỉnh lý như trong dự thảo Luật theo hướng: chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.
Chủ nhiệm Lê Quang Huy cũng cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý nội dung giải thích từ ngữ về “Chữ ký số”, “Chữ ký điện tử” tại Điều 3. Ngoài ra, Điều 25 dự thảo Luật đã phân loại chữ ký điện tử theo phạm vi sử dụng bao gồm: chữ ký điện tử chuyên dùng; chữ ký số công cộng và chữ ký số chuyên dùng công vụ.
Đối với ý kiến đề nghị bổ sung quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các biện pháp xác thực bằng phương tiện điện tử khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung khoản 4 Điều 25 quy định về các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử mà không phải là chữ ký điện tử thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành, để phù hợp với thực tiễn triển khai.
Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao nội dung hoàn thiện Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trình tại Kỳ họp này.
Theo đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum), dự thảo Luật đã tiếp thu chỉnh lý, quy định rõ ràng về các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh mạng trong giao dịch điện tử, quy định trách nhiệm của các bên tham gia trong giao dịch điện tử. Tuy nhiên, để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng lợi dụng giao dịch điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, cần bổ sung quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp, nền tảng trung gian trong kiểm soát và loại bỏ các nội dung vi phạm pháp luật trên nền tảng số, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có liên quan trong việc giám sát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong giao dịch điện tử theo lĩnh vực, địa bàn được phân công.
Thảo luận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét
Cũng trong phiên họp sáng 30/5, Quốc hội thảo luận về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Tại phiên thảo luận, đại biểu K’Nhiễu (Lâm Đồng) cho rằng, việc triển khai Dự án chậm gần ba năm so với Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngoài một phần do nguyên nhân chủ quan, phần lớn là do nguyên nhân khách quan. Đặc biệt, thời điểm triển khai Dự án là lúc cả nước cũng như tỉnh Ninh Thuận đang tập trung cao độ phòng, chống dịch.
Theo đại biểu, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, hạn hán thường xuyên, nguồn nước khan hiếm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của dân, việc quan tâm đầu tư xây dựng một công trình kỹ thuật phục vụ nước sản xuất, nước tưới cho vùng nông nghiệp, phòng, chống lũ, cải tạo môi trường và hồ chứa nước cho vùng hạ du là hết sức cấp thiết và có ý nghĩa đối với người dân vùng hạn hán.
Để hoàn thành Dự án một cách nhanh chóng, bảo đảm tính cấp thiết trong bổ sung nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất cho nông dân, đại biểu K’Nhiễu đề nghị cần rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong phê duyệt, thẩm định Dự án, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Trong phiên họp sáng nay, thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận, các đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là một trong những dự án giao thông huyết mạch quan trọng được xác định là dự án cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu thực hiện đầu tư giai đoạn từ nay đến năm 2025, nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Dự án này nếu được đầu tư hoàn thành sẽ góp phần hình thành mạng lưới giao thông đường bộ thông suốt từ tỉnh Khánh Hòa qua phía Tây tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Lâm Đồng, kết nối các đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia, giúp mở rộng không gian và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội không chỉ đối với hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, mà còn đối với các địa phương khác thuộc tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng. Do vậy, các đại biểu tán thành cao với việc Quốc hội ban hành nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư Dự án này.
Tạo đột phá, khơi thông nguồn lực, kiến tạo để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển
Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Thảo luận tại các tổ, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với việc cần luật hóa cơ chế, chính sách dành cho đô thị đặc biệt, tương xứng với vị thế, tiềm năng phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là điều cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện tại, tạo đột phá, khơi thông nguồn lực, kiến tạo để Thành phố phát triển. Hơn nữa, về căn cứ chính trị, Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị đã khẳng định rõ: “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành Nghị quyết của Quốc hội để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển Thành phố Hồ Chí Minh”.
Bày tỏ sự quan tâm với cơ chế đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh để tạo cú hích cho Thành phố phát triển, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh: Theo dự thảo Nghị quyết, Thành phố cũng chỉ có những cơ chế ngang bằng với các tỉnh, thành phố khác, chưa thực sự có cơ chế đặc thù nổi bật. “27 cơ chế chính sách vượt trội trong dự thảo đều là cơ chế thử nghiệm đi trước”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đặt vấn đề, hiện nay có hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi Hà Nội được quy định có Luật Thủ đô thì tại sao Thành phố Hồ Chí Minh không có Luật Đô thị đặc biệt? Đại biểu cho rằng cần Luật hóa đô thị đặc biệt để trên cơ sở đó có hành lang pháp lý trung hạn và dài hạn.