Bên lề kỳ họp, phóng viên TTXVN đã ghi nhận nhiều ý kiến liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt là vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế thời gian qua.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Hiệu quả, chất lượng phải là vấn đề quan trọng nhất
Đấu thấu là phương tiện để mua những hàng hoá bằng ngân sách Nhà nước với chất lượng tốt nhất và giá rẻ nhất.
Nếu nhìn nhận ở góc độ này, đấu thầu không phải mục tiêu chống tham nhũng. Điều này tuỳ vào con người, cách thức thực hiện và giám sát hiệu quả ra sao. Đấu thầu hay không đấu thầu, nếu có tham nhũng vẫn tham nhũng.
Bản chất của gói đấu thầu, kỹ thuật đấu thầu có rất nhiều bí mật. Khi tham gia đấu thầu đều phải nộp hồ sơ, bảo đảm bí mật của hồ sơ, phải thống nhất về kỹ thuật, sau đó mới bàn về giá cả. Dù quy định như vậy nhưng có những người lợi dụng chức quyền để bắt tay với nhau, dẫn đến bí mật hồ sơ bị lộ.
Vậy nên, hiệu quả, chất lượng phải là vấn đề quan trọng nhất trong áp dụng Luật Đấu thầu. Một sản phẩm giá rẻ nhất, giá thấp nhất sẽ không thể bảo đảm chất lượng. Nếu chỉ coi Luật Đấu thầu nhằm mục tiêu tiết kiệm tiền ngân sách sẽ có nguy cơ dẫn đến thiếu đi sự phát triển bền vững, thiếu động lực để sáng tạo.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp): Không phải lĩnh vực nào cũng cần đấu thầu
Một trong những sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu lần này liên quan đến hình thức lựa chọn nhà thầu. Tôi thống nhất lựa chọn nhà thầu vì chúng ta phải tổ chức đấu thầu. Tuy nhiên, theo tôi không phải lĩnh vực nào cũng phải đấu thầu, bởi không phải mỗi lần đấu thầu đều mang lại hiệu quả thiết thực cho Nhà nước.
Thực tế, thời gian qua có những trường hợp giá trị gói thầu rất cao nhưng khi bỏ thầu, giá trị rất thấp. Một số chủ đầu tư thời gian qua muốn nhà thầu quen thân của mình trúng thầu đã có những phương pháp để cuối cùng nhà thầu thân quen trúng thầu. Từ thực tế này cần phải xem lại quy trình, thủ tục, việc đăng ký, tổ chức đấu thầu một cách cụ thể.
Về chỉ định thầu, tôi đề nghị ngoài trường hợp trong dự thảo luật, cần có quy định chỉ định thầu giảm giá. Trường hợp chỉ định thầu có thể đem lại lợi nhuận và hiệu quả cao hơn, Ban Soạn thảo cân nhắc, xem xét.
Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình): Còn vướng trong đấu thầu, mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế
Trong Dự thảo Luật lần này có một chương riêng quy định về mua sắm tập trung, mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế cũng như cung cấp các sản phẩm dịch vụ công; trong đó, dành riêng Điều 55 quy định lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế. Quy định này về cơ bản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Tuy nhiên, tại điều này quy định cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể lựa chọn nhà thầu cung cấp vật tư hóa chất trúng thầu. Về bản chất, đây là quy định cho phép đấu thầu hóa chất xét nghiệm và trong hồ sơ mời thầu quy định nhà thầu trúng thầu sẽ cung cấp thiết bị xét nghiệm. Quy định này phù hợp với Luật Khám bệnh, chữa bệnh nhưng sẽ dẫn đến khi xác định gói thầu thì nhà thầu sẽ khó xác định được gói thầu này có kèm theo giá của thiết bị đi kèm hay không.
Hai là, thời gian áp dụng quy định tại điểm này không quá 5 năm kể từ khi luật này có hiệu lực, trong khi một số trường hợp đơn vị y tế đang thực hiện thuê, liên doanh, liên kết các trang thiết bị. Trong trường hợp các đơn vị chỉ có quyền sử dụng mà không có quyền sở hữu, có quyền thuê, liên doanh, liên kết trên 5 năm, việc quy định này chưa phù hợp. Vì, trên thực tế các cơ sở không thể xác lập quyền sở hữu tài sản và lại vướng các thủ tục thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Cũng tại Điều 55 quy định giá gói thầu và giá dự thầu được xác định trên cơ sở số lượng dịch vụ kỹ thuật dự kiến. Đây là nội dung mới nhưng cũng sẽ gây khó khăn cho việc xác định giá gói thầu có trên cơ sở số lượng dịch vụ kỹ thuật.
Bởi, giá dịch vụ kỹ thuật có thể thay đổi trong thời gian thực hiện hợp đồng, có thể là tiền đề gây nên những tiêu cực.