Đảng, Nhà nước ta đã ban hành đồng bộ nhiều chính sách và giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, trong đó tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện được coi là "điểm sáng" và là một trong những "trụ cột" trong hệ thống các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.
Năm 2014, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư. Năm 2021, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 06-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán trong định hướng, nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong công cuộc giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, dưới sự chỉ đạo sát sao của Trung ương và các cấp ủy Đảng; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, chính quyền các địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và người dân, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tổ chức thực hiện hiệu quả các mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực hoạt động.
Trên cơ sở đó, phát huy được vai trò là đòn bẩy kinh tế quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm giúp người nghèo và đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Nhìn lại quá trình thực hiện tín dụng chính sách xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết, đến hết 31/7, tổng nguồn vốn của Ngân hàng đạt trên 324,7 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt trên 305 nghìn tỷ đồng, với hơn 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 19%/năm.
Đi đôi với tăng trưởng quy mô tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được củng cố và nâng cao. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 0,62%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn 0,17%/tổng dư nợ.
Hơn 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giải ngân cho hơn 44.284 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đã hỗ trợ 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động (trong đó hơn 141 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài). Cũng từ nguồn vốn tín dụng chính sách, hơn 3,8 triệu học sinh, sinh viên đã được vay vốn đi học, giúp mua hơn 84 nghìn máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên.
Hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, gần 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được xây dựng từ vốn tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn mua/thuê mua hơn 29,7 nghìn căn nhà ở xã hội; gần 2 nghìn doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động...
Điều này tiếp tục khẳng định vai trò của hoạt động tín dụng chính sách xã hội và "sứ mệnh" của Ngân hàng Chính sách xã hội trong triển khai cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm thực hiện các mục tiêu về bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững đã được đưa ra tại các nghị quyết của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Những kết quả của tín dụng chính sách là minh chứng sinh động về ý Đảng hợp với lòng dân, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước qua các giai đoạn, cụ thể: giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 -2021 từ 9,88% xuống 2,23%. Đồng thời, góp phần thực hiện 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (về nhà ở dân cư; về thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo; lao động có việc làm, tổ chức sản xuất; giáo dục và đào tạo; môi trường và an toàn thực phẩm; xây dựng hệ thống chính trị; quốc phòng và an ninh).
Đánh giá của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quôcd gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho thấy, với chức năng bổ sung cho nhau, tín dụng chính sách và tín dụng thương mại là hai kênh tài chính song hành trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần vừa thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, vừa thực hiện các mục tiêu về phát triển xã hội, nổi bật nhất là đưa tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam từ mức gần 60% trong những năm 1990 xuống còn 4,3% năm 2022 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Những thành tựu to lớn đó khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn, sáng tạo với những quyết sách kịp thời, nhạy bén, nhất quán trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, lấy người dân là trung tâm theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân giám sát.
"Ngân hàng Chính sách xã hội đã khẳng định được sứ mệnh và vai trò, trách nhiệm xã hội to lớn của mình, phát huy có hiệu quả mô hình thiết chế sáng tạo, đặc thù trong việc thực hiện tín dụng chính sách, khơi dậy truyền thống nhân ái, "lá lành đùm lá rách" của dân tộc Việt Nam, nhằm thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội", theo ông Nguyễn Xuân Thắng.