Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa bấm nút phát động phong trào “Bình dân học vụ số" trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN
Thanh Hóa kỳ vọng phong trào “Bình dân học vụ số” sẽ trở thành đòn bẩy quan trọng trong việc nâng cao năng lực số cho người dân, thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững trong kỷ nguyên công nghệ số.
Tại buổi lễ, ông Đào Xuân Yên, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thông qua Kế hoạch Bình dân học vụ số trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh xác định mục tiêu cụ thể trong năm 2025 sẽ có 90% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về chuyển đổi số; 100% học sinh trung học và sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng số; 85% người dân trong độ tuổi trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số; 60% người dân trong độ tuổi trưởng thành được xác nhận đạt phổ cập tri thức về chuyển đổi số; 80% người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hợp tác xã, nghiệp đoàn có kiến thức cơ bản về công nghệ số, có kỹ năng số.
Tới năm 2026, Thanh Hóa đặt mục tiêu 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về chuyển đổi số; 100% học sinh từ cấp Tiểu học được trang bị kiến thức kỹ năng số; 100% người dân trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số…
Thanh Hóa cũng sẽ xây dựng chương trình phổ cập kỹ năng số; hoàn thiện hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin phục vụ người dân tiếp cận, sử dụng internet và các ứng dụng số; triển khai các nền tảng học trực tuyến mở đại trà quốc gia (MOOCs), “Bình dân học vụ số”; phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số cho từng nhóm đối tượng, từ đó triển khai các mô hình, phong trào lan tỏa kỹ năng số cho cộng đồng (bắt đầu từ tháng 4/2025) như: xây dựng mạng lưới "Đại sứ số"; thực hiện phong trào "Gia đình số", mô hình "Chợ số”, “Mỗi công dân - Một danh tính số”, chương trình “Chắp cánh công nghệ”, “Tổ công nhân công nghệ”...
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đề nghị, để phong trào “Bình dân học vụ số” đi vào thực chất, phát huy hiệu quả cao nhất, các địa phương, cơ quan, tổ chức cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng để cán bộ và nhân dân nhận thức rõ vai trò quan trọng của chuyển đổi số, sẵn sàng tham gia học tập và ứng dụng công nghệ trong đời sống, từ đó triển khai các lớp học, khóa học trực tuyến, phổ cập kiến thức số trên nền tảng phù hợp, dễ tiếp cận với mọi đối tượng, kết hợp với các lớp học trực tiếp tại các địa phương, để mọi người dân đều có thể dễ dàng tiếp cận tri thức số; đồng thời đẩy mạnh các chương trình đào tạo kỹ năng số cho người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, người lớn tuổi, người lao động tự do để nhân dân có thể chủ động ứng dụng công nghệ vào công việc và cuộc sống. Thanh Hóa sẽ xây dựng các mô hình gia đình số, nông thôn số, thành thị số để lan tỏa kỹ năng số rộng khắp.
Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp xây dựng khung năng lực số và tài liệu phù hợp với từng đối tượng. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần được cập nhật, nâng cao kỹ năng số, dùng nền tảng số hiệu quả. Học sinh, sinh viên được trang bị kiến thức số phục vụ học tập và bảo vệ bản thân, từ đó lan tỏa cho người thân, gia đình. Người lao động biết dùng thiết bị thông minh để tăng năng suất. Người dân biết dùng các dịch vụ số thiết yếu, dịch vụ công trực tuyến an toàn; đồng thời yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải tiên phong, gương mẫu trong thực hiện phong trào, với tinh thần “đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người”; chú trọng sử dụng các nền tảng số để chuyển tải thông tin đến mọi người, đảm bảo dễ đọc, dễ hiểu, dễ tiếp thu nhất.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng kêu gọi các doanh nghiệp viễn thông như VNPT, Viettel, Mobifone, BKAV… đồng hành cùng chương trình, đặc biệt là hỗ trợ thiết bị và dịch vụ internet cho người dân khó khăn ở khu vực chưa có điều kiện tiếp cận số, giúp mọi người dân không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình chuyển đổi số phía trước.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy nhận hỗ trợ của các doanh nghiệp nhằm triển khai phong trào "Bình dân học vụ số". Ảnh: TTXVN phát
Trong khuôn khổ chương trình, UBND tỉnh tổ chức báo cáo chuyên đề “Ứng dụng AI trong công việc và cuộc sống” để cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đây là điểm nhấn giúp người dân tiếp cận công nghệ một cách sinh động, gần gũi và thiết thực hơn.
Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã bấm nút phát động phong trào, thông qua kế hoạch và đề cương thực hiện phong trào "Bình dân học vụ số" trên địa bàn tỉnh.