Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ then chốt, trong đó đào tạo nghề là cốt lõi, những năm qua, huyện luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực để đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, từ đó, nhiều hộ đã có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, tạo động lực thoát nghèo bền vững.
“Đào tạo nghề, quan tâm phát triển các hoạt động sinh kế tại chỗ” là cách mà Võ Nhai triển khai trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích phát triển mô hình hợp tác xã tại mỗi địa phương bằng những chính sách cụ thể để các mô hình này trở thành những hạt nhân hỗ trợ cho những hộ nghèo xung quanh, hỗ trợ cho người nghèo thông qua các hoạt động tiếp nhận lao động nghèo, đào tạo nguồn nhân lực cho hộ nghèo.
Bà Mông Thị Tuyết Nhung, Trưởng phòng Phòng Lao động, thương binh và Xã hội huyện Võ Nhai cho biết: “Trước khi mở các lớp đào tạo nghề cho người dân, chúng tôi tiến hành khảo sát từng xóm, ngoài ra, trong thời gian đào tạo, cơ sở dạy nghề giảm nội dung về lý thuyết, tăng cường thực hành trực tiếp ngay tại bờ ruộng, trang trại. Do đó người được tập huấn tiếp thu rất nhiều kiến thức hữu ích, hiệu quả áp dụng cao”.
Xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai, là một trong số xóm khó khăn nhất của tỉnh Thái Nguyên với 119 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Mông, năm 2016 xóm có 2 hộ đầu tiên thoát nghèo chuyển sang cận nghèo, năm 2018 thêm 3 hộ. Hiện cả xóm còn 114 hộ nghèo và cận nghèo, năm nay dự kiến có thêm 10 hộ thoát nghèo.
Theo ông Ngô Văn Tô, Bí thư Chi bộ xóm, có được kết quả này là do người dân trong xóm đã được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi. Từ những kiến thức đã được trang bị, người dân mạnh dạn vay vốn đầu tư vào trồng rừng, trồn
g cây ăn quả… Cả xóm hiện có 15 hộ trồng hơn 10ha cam sành, có những hộ trồng tới cả nghìn cây. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ giống và kỹ thuật chăm sóc cây có múi. Một số vườn cam đã cho thu hoạch, chất lượng và năng suất quả được đánh giá cao. Nhiều hộ đã cho thu nhập khá từ cam như hộ chị Lý Thị Vàng, hộ anh Vương Văn Lầu,…
Trong những năm qua, hoạt động đào tạo nghề được huyện Võ Nhai triển khai đa dạng, với đa ngành nghề, không chỉ tổ chức tập trung tại huyện mà còn đưa lớp đào tạo nghề về các cụm xã, gắn với thực hành…
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến hết năm 2023 đạt 59,48%. Cụ thể, năm 2022, huyện đã mở 7 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng cho 210 học viên; Năm 2023 mở 10 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng cho 300 học viên; Năm 2024 tổ chức 3 lớp đào tạo nghề thường xuyên dưới 3 tháng cho 90 lao động là người dân tộc thiểu số. Các nghề đào tạo chủ yếu gồm: nuôi và phòng trị bệnh cho gà tại xã Thượng Nung; trồng rau an toàn tại xã Sảng Mộc; chế biến chè xanh, chè đen tại xã La Hiên…
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa công tác giảm nghèo và đào tạo nghề, tỷ lệ hộ nghèo tại Võ Nhai đã giảm đáng kể. Nhiều hộ gia đình sau khi tham gia đào tạo đã mở rộng mô hình kinh tế, tăng thu nhập ổn định.
Trong tương lai, huyện Võ Nhai tiếp tục xác định đào tạo nghề là đòn bẩy quan trọng trong giảm nghèo bền vững. Theo đó, huyện sẽ tiếp tục mở rộng ngành nghề đào tạo, tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng của địa phương. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho người dân sau đào tạo…
Sự kết hợp giữa công tác giảm nghèo và đào tạo nghề tại Võ Nhai không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần nâng cao ý thức tự lực, tự cường của người dân. Đây là minh chứng sống động cho chiến lược giảm nghèo toàn diện, bền vững của mảnh đất vùng cao này./.