Thái Nguyên khẳng định vị thế tiên phong trong chuyển đổi số

Là một trong những tỉnh tiên phong ban hành Nghị quyết chuyên đề số 01-NQ/TU về Chương trình chuyển đổi số, tỉnh Thái Nguyên đã đề ra mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành Trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đối số. Qua đó, mở ra cơ hội, con đường ngắn nhất, kinh tế nhất để hiện thực hóa được nhiều mục tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội.

Chú thích ảnh
Một góc trung tâm điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên.

Thay đổi toàn diện nhờ chuyển đổi số

Xác định chuyển đổi số là tất yếu và là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài, là một trong các giải pháp quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng, thay đổi toàn diện phương thức quản lý của cả hệ thống chính trị, mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống xã hội của người dân, tỉnh Thái Nguyên đã kịp thời ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số; trở thành một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước có Nghị quyêt về lĩnh vực này.

Ông Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đối sô tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025,  Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Qua đó, từng bước đưa tỉnh dần tới mục tiêu trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2030.

Đến nay, Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, trở thành phong trào, xu thế, là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược, mang lại hiệu quả thiết thực trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; tác động tích cực, toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống xã hội…

Về chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử, tính đến ngày 3/9/2024, Thái Nguyên đạt 83,87/100 điểm, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố.

Thái Nguyên đã thành lập trên 2.255 tổ công nghệ cộng đồng, với gần 15.000 thành viên nòng cốt, để hỗ trợ CĐS cho người dân; Ứng dụng C-Thái Nguyên đã có trên 362.000 lượt cài đặt; 140.000 hộ dân được tạo tài khoản để đưa thông tin lên mạng. Tổng doanh thu kinh tế số ước tính cả năm 2024 đạt 711,6 nghìn tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Trung tâm điều hành thông minh thành phố Sông Công.

Tạo bước đột phá mới trong chuyển đổi số

Ngày 15/11/2024, UBND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua Quyết định số 2840/QĐ-UBND về ban hành Đề án Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2024-2025. Đề án được coi là giải pháp đột phá giúp Thái Nguyên thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, thể hiện sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo và quyết tâm của cả hệ thống chính trị hướng tới xây dựng “Thái Nguyên 2025+: Số - Xanh - Hạnh phúc”.

Theo Đề án, tỉnh Thái Nguyên tiên phong về chuyển đổi số và sẽ phát triển chuyển đổi số tập trung vào 5 mũi đột phá: Thái Nguyên là một trong các tỉnh thành có chất lượng kết nối mạng tốt nhất Việt Nam; Thái Nguyên trở thành trung tâm dữ liệu của các tỉnh trung du, miền phía Bắc; Thái Nguyên có chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tốt nhất Việt Nam; Thái Nguyên có dữ liệu số tốt nhất Việt Nam; Thái Nguyên phổ cập năng lực số toàn dân để nâng cao mức sống và thu nhập của người dân.

Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Thái Nguyên cho biết: Hiện nay, hạ tầng cứng của tỉnh đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển, đồng bộ, bảo đảm kết nối liên thông, liên vùng quốc gia.

Trong giai đoạn 2024-2025, tỉnh tiếp tục tập trung đầu tư vào hạ tầng số, coi phát triển hạ tầng số là nhiệm vụ trọng yếu để bảo đảm các điều kiện phục vụ nhiệm vụ phát triển nền tảng số, dữ liệu số và các hoạt động chuyển đổi số khác.

Trên cơ sở đó, tỉnh đã chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, cùng các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh cùng các đơn vị liên quan, tập trung triển khai các giải pháp cụ thể, phù hợp, sát với thực tiễn nhằm thực hiện thành công các mục tiêu như: Mạng 5G với tốc độ tối thiểu 100 Mbps, phủ sóng tại 100% trường đại học và bệnh viện (năm 2024), 100% khu dân cư (năm 2025); 100% tuyến cao tốc, quốc lộ được phủ sóng băng rộng 4G/5G; phổ cập kết nối cáp quang băng rộng đến hộ gia đình, tất cả các khách hàng có nhu cầu; mời gọi thu hút đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu để cung cấp dịch vụ dữ liệu cho cùng trung du miền núi phia Bắc và các doanh nghiệp FDI; nâng cấp trung tâm dữ liệu dùng chung của tỉnh; xây dựng bản sao số (Digital Twins) tại khu công nghiệp; triển khi ứng dụng Drone, camera ttrong sản xuất và chế biến nông nghiệp, đặc biệt là cây chè; triển khai trung tâm trải nghiệm ứng dụng 5G; phát triển các mô hình điểm kết hợp giữa hạ tầng mới, ứng dụng đổi mới sáng tạo… 

Cùng với phát triển hạ tầng số, nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến là một nội dung quan trọng của CĐS. Tỉnh Thái Nguyên xác định, trong giai đoạn 2024-2025, có trên 90% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực điện tử thông suốt; 100% có cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, sẻ chia trên toàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên trong lễ khau trương nền tảng xã hội số Thái Nguyên ID.

Thái Nguyên cũng trọng tâm phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hướng tới hiện đại hóa nền hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, tương tác hai chiều giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp trở nên hiệu quả, nhanh chóng hơn.

Tỉnh đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm 2025, Thái Nguyên sẽ hoàn thành xây dựng Kiến trúc chính quyền số (phiên bản 3.0); triển khai Hệ thống thông tin 1022 kết nối người dân với chính quyền; triển khai camera giám sát thông minh ứng dụng AI; xây dựng Hệ thống định danh số thống nhất, linh hoạt và triển khai Bản đồ số phục vụ công tác quản lý nhà nước….

Ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Thái Nguyên đang nỗ lực chủ động triển khai quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số, coi chuyển đổi số là phương thức sản xuất mới, coi con người và trí tuệ nhân tạo là lực lượng sản xuất mới; dữ liệu trở thành tư liệu sản xuất mới. Thái Nguyên là tỉnh đi tiên phong về chuyển đổi số và sẽ phát triển bằng chuyển đổi số, từ đó thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển….

Cùng với cả nước, mỗi sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh Thái Nguyên hiện nay đang nêu cao tinh thần trách nhiệm, “không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm”, phát huy quyết tâm “chỉ bàn làm, không bàn lùi” để đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai có hiệu quả Đề án Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2024-2025, góp phần xây dựng Thái Nguyên phồn vinh, giàu đẹp, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.

P.V
Nhân rộng những mô hình xóa đói giảm nghèo bền vững ở Thái Nguyên
Nhân rộng những mô hình xóa đói giảm nghèo bền vững ở Thái Nguyên

Với những cách làm năng động, sáng tạo, Thái Nguyên trở thành địa phương đi đầu trong các tỉnh miền núi phía Bắc về thực hiện hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN