Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên cho biết: Qua triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã nâng cao được; vị trí vai trò của tín dụng chính sách xã hội đã xác định rõ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Đặc biệt, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tăng dần qua các năm, đến nay đạt 106,7 tỷ đồng, tăng 86,8 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW. Tuy nhiên, do nguồn thu ngân sách địa phương chưa cao nên việc bố trí nguồn vốn địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội còn hạn chế, số dư còn thấp.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Ban đại diện các cấp chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Nguồn vốn tín dụng chính sách những năm qua đã giúp cho hơn 510 nghìn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn trên 9.100 tỷ đồng. Đặc biệt, trong 2 năm thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội dự kiến tăng 960 tỷ đồng, tỷ lệ tăng cao nhất từ trước đến nay.
Nhờ vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ dân thuộc đối tượng vay được tiếp cận vốn nhiều hơn để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Đến cuối năm 2022, số hộ nghèo của tỉnh còn 11.015 hộ, chiếm 5,93%, giảm 3.196 hộ, giảm 1,86% so với năm 2021; hộ cận nghèo còn 10.087 hộ, chiếm 5,43%, giảm 2.800, giảm 1,7% so với năm 2021.
Ông Lê Minh Lộc, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Thuận cho biết: Đến nay tổng dư nợ các chương trình tín dụng tại tỉnh đạt trên 3.376 tỷ đồng, hơn 80.000 khách hàng còn dư nợ. Đạt được kết quả trên là nhờ Ngân hàng Chính sách xã hội đã phân bổ nguồn vốn kịp thời, đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.
Đối với chất lượng tín dụng, Ban đại diện Hội đồng quản trị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Thuận cũng chỉ đạo nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết của tỉnh không thuận lợi, tác động từ biến động giá cả nguyên, nhiên vật liệu tăng, quá trình sử dụng vốn của hộ vay gặp rủi ro đã khiến nợ khoanh chiếm tỷ lệ cao, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.
Ban đại diện Hội đồng quản trị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Thuận cho rằng, do nguồn thu của tỉnh còn khó khăn, trong khi nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm lại rất lớn, vì vậy tỉnh cũng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục dành sự quan tâm, bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm cho tỉnh các năm sau gấp 2 lần nguồn ủy thác địa phương, để đáp ứng nhu cầu về vốn vay chương trình tại tỉnh. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ưu tiên, cân đối ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, để đến năm 2025, nguồn vốn ủy thác đạt được mục tiêu từ 6 - 8% trên tổng nguồn vốn cho vay.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng đánh giá: Việc giải quyết vốn vay cho người dân của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Thuận theo các chương trình được tăng lên hằng năm. Điều đó được thể hiện rõ ở các các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Ninh Hải, Thuận Nam, Thuận Bắc, Bác Ái... bởi số dư nợ cao. Qua đó, góp phần giảm đáng kể số hộ nghèo tại các địa phương tham gia vay vốn tín dụng chính sách đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ông Dương Quyết Thắng cho rằng, thời gian tới, nhu cầu vay vốn ngày một tăng, do đó vấn đề nguồn vốn ủy thác cần được tỉnh Ninh Thuận quan tâm thêm. Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ cơ bản đáp ứng đầy đủ vốn, tăng thêm 40 tỷ đồng cho tỉnh theo như đề nghị. Bên cạnh đó, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục duy trì và phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổ tiết kiệm - vay vốn tại các địa phương, tại các phòng giao dịch ở xã, giải quyết nhanh, gọn, tạo mối quan hệ mật thiết giữa cán bộ tổ vay vốn với người dân khi đến làm hồ sơ vay.
Bên cạnh đó, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, quan tâm triển khai tốt hơn nữa Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ theo đúng đối tượng, không để xảy ra sai sót, để mỗi đối tượng được thụ hưởng theo nhu cầu, giải quyết tốt các vấn đề khó khăn về vốn vay cho người dân.