Tuy nhiên, tại Quảng Ngãi, sau khi sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Tây Trà và huyện Trà Bồng kể từ ngày 1/4/2020 theo Nghị quyết số 867 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều khó khăn đã dần bộc lộ, khiến chính quyền loay hoay tìm lời giải.
Cụ thể, tại huyện Tây Trà (cũ), sau khi cán bộ, công chức, viên chức chuyển công tác về trung tâm hành chính huyện Trà Bồng, rất nhiều trụ sở phải bỏ hoang, trong đó một số trụ sở vừa mới xây dựng hoàn thành với nguồn kinh phí hàng tỷ đồng, gây lãng phí. Điển hình như trụ sở Công an xã Trà Phong, đang tận dụng trụ sở của Công an huyện Tây Trà cũ làm việc.
Ông Hồ Văn Non, xã Trà Phong, chia sẻ, mỗi lần ra ruộng, lên non nhìn trụ sở hoang hóa, xuống cấp, không có người quét dọn thấy thật tiếc.
Dù huyện Trà Bồng đã bố trí tổ công tác túc trực tại đây, nhưng theo người dân địa phương, do lực lượng mỏng nên tình hình an ninh trật tự trên địa bàn có chiều hướng phức tạp, nạn trộm cắp vặt thường xuyên xảy ra.
Trong khi đó, huyện Trà Bồng lại đang chật vật giải "bài toán" thiếu cơ sở vật chất, phòng làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức.
Ông Hồ Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho hay: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do số lượng cán bộ không chuyên trách cấp xã dôi dư sau khi tiến hành sáp nhập các huyện, xã, đặc biệt là 9 xã phía Tây. Một tồn tại khác là một số phòng, ban của huyện có đông cấp phó (Ban Dân vận 7 phó; Văn phòng UBND huyện 8 phó …) dẫn đến việc khó phân công, bố trí nhiệm vụ cụ thể cho từng người, buộc phải chia nhỏ các mảng, ngành, lĩnh vực để giao phó. Việc này đi ngược lại chủ trương tinh giản biên chế của Trung ương.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đoàn Dụng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Việc sắp xếp, tinh giảm số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư cần thời gian để thực hiện. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Trà Bồng đã giảm được 22 cán bộ, công chức, viên chức (một số cán bộ tự nguyện chuyển công tác đến huyện khác vì lý do gần gia đình; số khác xin thôi việc). Dự kiến đến năm 2024, sẽ hoàn tất quy trình này.
Cũng theo ông Đoàn Dụng, huyện Trà Bồng cần chủ động khắc phục tình trạng thiếu cơ sở vật chất, phòng ban làm việc, trước mắt là chia nhỏ các phòng hiện có để sử dụng thêm một thời gian, bởi nếu ồ ạt xây mới sẽ dẫn tới tình trạng thừa cơ sở hạ tầng, gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Còn đối với tài sản công tại huyện Tây Trà (cũ) nên hướng đến phương án tận dụng làm "Văn phòng 2" để người dân đỡ vất vả hơn khi liên hệ giải quyết các thủ tục hành chính do khoảng cách di chuyển đến trung tâm huyện Trà Bồng tương đối xa.