Dự hội nghị có một số chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu xã hội, đại diện một số tổ chức, cơ quan, ngành, giới của Thành phố và đại diện lãnh đạo, cử tri các địa phương có liên quan đến Đề án.
Các đại biểu nhất trí cao với phương án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, trong đó thành lập thành phố Thủ Đức từ sáp nhập Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức và sáp nhập một số phường tại các Quận 2, 3, 4, 5, 10 và quận Phú Nhuận, nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển của thực tế xã hội và tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước tại địa phương. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, Đề án cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung cho đầy đủ, đảm bảo tính khoa học và thuyết phục; bày tỏ sự quan ngại về khả năng đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của lực lượng cán bộ tại các địa phương sau khi sáp nhập và một số vấn đề khác còn chưa nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia và người dân như cách đặt tên phường, trụ sở phường sau khi sáp nhập…
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2019-2021 nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp để phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, góp phần phát huy hơn nữa nguồn lực nhà nước và xã hội để phát triển kinh tế - xã hội tại từng cấp huyện, cấp xã. Ngày 5/10, cử tri tại các quận liên quan đã bỏ phiếu với sự thống nhất cao đồng ý về việc thành lập thành phố Thủ Đức cũng như về việc sáp nhập một số phường trên địa bàn sinh sống của cử tri, cho thấy tính khoa học, đúng đắn và phù hợp ý nguyện người dân của Đề án. Dự kiến, sau khi Đề án được triển khai, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ còn 22 quận, huyện (16 quận, 1 thành phố và 5 huyện) và 312 xã, phường, thị trấn (249 phường, 58 xã và 5 thị trấn).
Nhất trí về sự cần thiết của việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính trên địa bàn Thành phố để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, tuy nhiên ông Võ Chí Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng Thành phố cho rằng, Đề án được nghiên cứu xây dựng đầy đủ hơn với các nội dung bổ sung thêm căn cứ pháp lý; phân tích sự cần thiết của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã riêng. Bên cạnh đó, tính khoa học về lý do thành lập trong Đề án thành lập thành phố Thủ Đức chưa; chưa có phương án so sánh về mức độ cần thiết; các hệ lụy của việc sáp nhập ba quận…
Đồng quan điểm, bà Trương Thị Hòa - Đoàn Luật sư Thành phố cho rằng, Đề án cần được bổ sung thêm các cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học để triển khai thành phố Thủ Đức, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn Thành phố. Đề án thành lập thành phố Thủ Đức cần bổ sung về tiêu chí phát triển, báo cáo tổng hợp về kết quả lấy ý kiến cử tri, các báo cáo đánh giá tác động về chính trị, an ninh, quốc phòng, tác động đến người dân…
Tiến sỹ Phạm Thanh Duy, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc thành lập thành phố Thủ Đức cũng như sáp nhập các đơn vị hành chính là cơ hội thí điểm xây dựng chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần giảm bớt cơ quan cấp phường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Tuy nhiên, cần có đề xuất khung pháp lý cho hoạt động của mô hình thành phố trong thành phố, tạo sự đột phá trong xây dựng chính quyền đô thị.
Cũng về vấn đề này, Thiếu tướng Phan Anh Minh - nguyên Phó Giám đốc Công an Thành phố cho rằng, Đề án cần có dự báo về khối lượng công việc của hệ thống hành chính, cơ quan chính quyền sau khi sáp nhập để đưa ra phương án triển khai Đề án mang tính ổn định lâu dài, tránh xáo trộn cuộc sống người dân. Việc sáp nhập các đơn vị hành chính sẽ khiến gia tăng khối lượng công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, vì vậy cần đề xuất Quốc hội có Nghị quyết riêng tăng thêm thẩm quyền cho các đơn vị hành chính có tính đặc thù, có số lượng dân cư cao... Mục tiêu của mọi hoạt động sắp xếp đơn vị hành chính đều là nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cuộc sống người dân.
Tâm đắc với ý kiến của Thiếu tướng Phan Anh Minh, ông Trương Bình Minh, cử tri Phường 13, Quận 4 và ông Chu Hoài Quang, cử tri Phường 6, Quận 3 cũng bày tỏ sự băn khoăn về hiệu lực, hiệu quả của chính quyền phường sau khi sáp nhập vì phải đối mặt với áp lực công việc lớn hơn, địa bàn rộng hơn, số lượng dân cư tăng hơn. Vì vậy, người dân tại các phường dự kiến sáp nhập đều nhất trí cao với chủ trương của nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, nhưng mong muốn có thêm những thông tin về tiến độ, phương án triển khai và các biện pháp hỗ trợ người dân hòa tháo gỡ các khó khăn liên quan đến hệ quả từ việc sáp nhập phường.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố cho biết: Sở Nội vụ đang phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án với đầy đủ các cơ sở lý luận, pháp lý, thực tiễn, cập nhật các tài liệu bản đồ, hệ thống phụ lục, bản tổng hợp cũng như bổ sung kết quả lấy ý kiến cử tri các địa phương có liên quan. Đề án hướng đến sự đảm bảo tốt nhất, không ảnh hưởng đến người dân thực hiện các nhu cầu hành chính, giao dịch kinh tế. Sở cũng đã xây dựng đề án sắp xếp đội ngũ cán bộ hành chính sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính trong đó có phương án giải quyết nhân lực dôi dư… Đề án sẽ sớm được hoàn thiện để trình Hội đồng nhân dân Thành phố cho ý kiến trước khi trình Bộ Nội vụ.